10:23 23/10/2011

Ngăn chặn lạm phát tâm lý

Lạm phát thường tăng do những nguyên nhân cơ bản: Mất cân đối cung - cầu, mất cân đối giữa tiền và hàng... Ở nước ta, lạm phát tăng còn do tâm lý kỳ vọng lạm phát hay còn gọi là lạm phát tâm lý.

Lạm phát thường tăng do những nguyên nhân cơ bản: Mất cân đối cung - cầu, mất cân đối giữa tiền và hàng... Ở nước ta, lạm phát tăng còn do tâm lý kỳ vọng lạm phát hay còn gọi là lạm phát tâm lý. Thậm chí, lạm phát tâm lý còn có thể đẩy giá tiêu dùng tăng cao hơn cả nguyên nhân khác. Trong khi đó, ngăn chặn lạm phát tâm lý không đơn giản...

Lạm phát tâm lý có thể đẩy giá tiêu dùng tăng cao hơn cả các nguyên nhân khác.Ảnh: lê phú


Cách đây 2 tháng, giá cơm bình dân ở nhiều hàng ăn tại Hà Nội bất ngờ tăng từ 15.000 đồng/suất lên tới 20.000 - 25.000 đồng/suất. Giới kinh doanh lý giải việc tăng giá là do giá thực phẩm thời điểm đó tăng mạnh. Nhưng gần đây, giá thực phẩm, nhất là thịt lợn, thịt gà... đã giảm khá mạnh (giảm tới 20% so với mức giá đỉnh hồi tháng 7) nhưng người tiêu dùng vẫn thấy giá cơm bình dân chẳng rẻ đi chút nào. Một người bán hàng cơm bình dân ở phố Bách Khoa (Hà Nội) thản nhiên trả lời thực khách: "Giá thực phẩm giảm nhưng lạm phát vẫn tăng nên giá hàng hóa không thể giảm", mặc dù họ không hề biết lạm phát chính xác tăng bao nhiêu phần trăm và cũng chẳng có tính toán cụ thể về việc khi lạm phát tăng sẽ tác động ra sao đến chi phí đầu vào của mặt hàng kinh doanh. Giá vàng không có liên quan gì đến giá thực phẩm, rau củ quả. Nhưng, khi giá vàng lại lên cơn sốt vào tháng 9 vừa qua, khi một khách hàng đi mua rau ở chợ Thành Công phàn nàn về chuyện đắt rẻ thì được người bán hàng trả lời: "Giá vàng còn tăng tới cả triệu đồng mỗi lượng thì cái gì mà chả tăng giá!".

Những lý do tăng giá hàng hóa, dịch vụ được dẫn ra ở trên cho thấy một thực tế: Chuyện giá hàng hóa lên xuống ở nước ta lâu nay nhiều khi không phải do nguyên nhân cung - cầu hay nguyên nhân từ chính sách tài khóa, tiền tệ như ở các nước khác. Bởi, nếu theo quy luật kinh tế, giá đầu vào tăng bao nhiêu, thì giá bán đầu ra phải tăng bấy nhiêu. Thậm chí, ở nước ta, có khi giá điện, giá xăng dầu chỉ tác động tăng giá thành vài phần trăm thì giá bán các loại hàng hóa đã tăng cả vài chục phần trăm. Việc tăng giá dường như theo kiểu cảm tính, mang tính dây chuyền, tức là mặt hàng này tăng thì mặt hàng khác cũng tăng, thậm chí có cả tình trạng tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”… là tác nhân không nhỏ gây ra lạm phát.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ gần đây nhất, khi phân tích về những nguyên nhân của lạm phát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam một lần nữa đưa ra vấn đề “lạm phát tâm lý” như một nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao. "Nếu lãi suất tăng 1% thì lạm phát chỉ tăng 0,03%, nhưng lạm phát tâm lý tăng 1% thì sẽ gây lạm phát thực là 0,64%", Bộ trưởng Vũ Đức Đam phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát tâm lý dễ xảy ra ở nước ta là do tâm lý người dân rất nhạy cảm với lạm phát. Để ngăn chặn lạm phát tâm lý, cũng theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp đầu tiên là cần tăng cường tính ổn định và độ tin cậy của người dân vào chính sách.

Một điều đáng lưu ý nữa là cần chống lạm phát ngay từ khi lạm phát mới manh nha và đang trong giai đoạn thấp, ổn định. Cũng cần phát huy hơn nữa các biện pháp kiểm soát giá cả - thị trường và sự vào cuộc của công luận, trong đó có vai trò của báo chí. Nếu lạm phát được "chữa trị" bằng những "phương thuốc" bền vững và lâu dài thì lạm phát kỳ vọng hay còn gọi là lạm phát tâm lý cũng sẽ giảm.

Tiến sỹ - chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh:

Lạm phát kéo dài, khiến đồng Việt Nam mất giá, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào đồng tiền và khả năng kiềm chế lạm phát, khiến tâm lý đẩy giá xuất hiện. Lạm phát tâm lý xảy ra là do người dân chưa kỳ vọng nhiều về việc kiểm soát lạm phát; hoặc thông tin liên quan tới tin đồn kinh tế. Vì vậy, nhiều người trong lĩnh vực kinh doanh đã “phòng thủ” sẵn bằng cách tăng giá để phòng xa việc chỉ số lạm phát bất ổn. Để xảy ra tin đồn không tốt cho nền kinh tế cũng là do nhiều thông tin điều hành từ phía cơ quan quản lý còn chưa rõ ràng và minh bạch nên nhiều người tin vào tin đồn, từ đó có cách ứng xử riêng tùy thuộc vào vị thế là người mua hay bán; người sử dụng lao động hay lao động; người tiêu dùng hay sản xuất… Ví dụ: Đối với những mặt hàng thuộc diện quản lý của Nhà nước, nếu Nhà nước đã cam kết và sẽ ổn định giá từ nay đến cuối năm thì phải thực hiện đúng. Bởi nếu vẫn tăng giá vào thời điểm cam kết thì lúc đó người dân sẽ mất niềm tin. Cụ thể như mặt hàng xăng dầu, người dân đang đặc biệt quan tâm là sự minh bạch trong lỗ, lãi kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là lúc nào tăng hay giảm giá. Chính phủ cần có cơ quan tin cậy để kiểm tra vấn đề này và thông tin kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu cần công khai minh bạch. Như vậy mới tạo được niềm tin cho người dân và giảm được tình trạng hàng hóa “té giá theo mưa”. Với những nhóm hàng hóa do Nhà nước quản lý, định giá thì nên kiểm soát các yếu tố chi phí đầu vào nhằm thuyết minh cho việc tại sao điều chỉnh giá. Những mặt hàng nào Nhà nước đưa ra quy định buộc doanh nghiệp, khối kinh doanh phải thực hiện thì phải làm quyết liệt. Ví dụ: Yêu cầu mặt hàng đồ chơi phải dán tem hợp chuẩn. Tôi rất đồng tình việc đồ chơi dành cho trẻ em cần được kiểm soát chặt vì liên quan tới sức khỏe. Tuy nhiên, cơ quan khoa học công nghệ cũng như lực lượng quản lý thị trường cần thực hiện tốt khi kiểm tra và có cơ chế xử phạt mạnh. Bởi nếu không làm tốt sẽ trở thành “liều thuốc nhờn”, người dân sẽ suy diễn từ mặt hàng này sang mặt hàng khác bị lỏng lẻo trong công tác quản lý.

Thạc sỹ kinh tế Hoàng Cao Cường - Giảng viên khoa Quản trị doanh nghiệp, Trường Đại học Thương mại:

Yếu tố tâm lý tác động nhiều đến động thái tiêu dùng và phân phối hàng hóa trong nền kinh tế. Trong đó, lạm phát tâm lý trong nền kinh tế đang ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, đặc biệt là giá các loại hàng hóa trên thị trường. Thứ nhất: Các chính sách quản lý nhà nước nhằm mục tiêu điều hành tốt hơn nền kinh tế nhưng đôi khi chính yếu tố tâm lý của người dân lại làm nảy sinh lạm phát tâm lý. Ví dụ như việc tăng lương. Về cơ bản, lương tăng không ảnh hưởng tới giá, tuy nhiên do tâm lý tăng giá chung trong kinh doanh cứ thấy có nhiều tiền là tăng giá nên thậm chí lương chưa tăng giá cả đã tăng, qua đó lạm phát tăng. Thứ hai: Tâm lý người dân rất nhạy cảm với lạm phát và thường có phản ứng đôi khi quá mức càng đẩy lạm phát lên cao. Trong khi đó, các phản ứng của Chính phủ chống lại lạm phát thường chậm, chính sách điều hành không nhất quán, khiến người dân càng mất niềm tin vào hiệu quả chính sách. Điều này thể hiện qua những cơn sốt của thị trường vàng, đô la, hay bất động sản khi người dân đổ xô đầu tư và găm giữ các loại tài sản khác thay thế tiền đồng. Thứ ba: Tâm lý không cất trữ đồng Việt Nam trong nhà. Hiện nay, dù lãi suất ngân hàng có lên tới 20%/năm thì việc cất trữ tiền đồng vẫn làm cho người dân thấy bị thiệt thòi và không an toàn. Do đó có tình trạng tìm kiếm các kênh cất trữ khác trong cộng đồng như vàng, đô la… Thứ tư: Do tâm lý phụ thuộc vào ngoại tệ. Hiện nay, rất nhiều yếu tố tạo ra của cải vật chất cho tiêu dùng trong nước và bản thân các sản phẩm tiêu dùng trực tiếp phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó giá cả phụ thuộc rất nhiều vào tỷ giá ngoại tệ. Khi giá nhập khẩu và tỷ giá thay đổi sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền khiến cho giá tiêu dùng trong nước thay đổi và thường là theo chiều hướng tăng cao.