03:15 16/03/2022

Ngăn chặn đầu cơ trục lợi từ giá xăng dầu

Trong những ngày qua, bên cạnh tình hình xung đột Nga-Ukraine, thì vấn đề giá xăng dầu tăng mạnh cũng được dư luận hết sức quan tâm. Tình hình càng ‘nóng’ khi một số doanh nghiệp tìm cách găm hàng, tạo cơn sốt giả để trục lợi.

Thế giới từ đầu năm đến nay trải qua giai đoạn biến động và bất ổn, tình hình địa chính trị diễn biến phức tạp, đặc biệt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là 2 nước cung cấp dầu, khí đốt lớn của thế giới đã ảnh hưởng đến nguồn cung và giá xăng dầu tăng trên phạm toàn cầu.

Là một mặt hàng có tính chất đặc biệt nhạy cảm, giống như giá điện, giá xăng dầu tăng đã trở thành đề tài "nóng" từ quán trà đá vỉa hè, cho tới các diễn đàn trên mạng xã hội. Giá xăng dầu tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tới giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác, cũng như đời sống của người dân.

Trong những ngày qua, không khó để chứng kiến cảnh các cây xăng “bất ngờ” đóng cửa, treo biển hết hàng hay cảnh những hàng dài phương tiện chờ bơm xăng vì thông tin xăng sẽ còn tiếp tục tăng giá. “Nước lên thì thuyền lên”, giá xăng dầu trong nước tăng theo xu thế tăng giá của giá thế giới là nguyên tắc vận hành hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, một yếu tố góp phần làm “nóng” thêm thị trường xăng dầu trong nước đó là tình trạng doanh nghiệp bán lẻ đang cố tình găm hàng, om hàng đề chờ giá lên, tạo cơn sốt giả nhằm trục lợi. Đồng ý kinh doanh thì phải có lợi nhuận, song doanh nghiệp cũng không nên quên đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của mình, nhất là đối với một mặt hàng quan trọng và chiến lược như xăng dầu. Theo báo cáo đầu tuần này của Bộ Công thương, dù nguồn nhập khẩu có ảnh hưởng, nhưng tới thời điểm này Việt Nam chúng ta chưa phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung. Như vậy, phải chăng những bất cập ở khâu phân phối đang khiến thị trường xăng dầu “nóng” ảo, gây hoang mang dư luận? Việc cơ quan chức năng phát hiện và phạt nặng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội, Lâm Đồng trong tuần qua chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với hành động cố tình găm hàng, tạo khan hiếm xăng dầu để trục lợi trái phép.

Những ngày qua đây đó cũng xuất hiện hiện tượng người dân chủ động mua xăng dầu và tích trữ trong nhà, do nghe đồn xăng khan hiếm và giá có thể tăng lên tới 35.000 đồng/lít, thậm chí là hơn 40.000 đồng/lít. Đây là điều không cần thiết và hết sức nguy hiểm vì việc tích trữ xăng dầu thủ công, thiếu phương tiện kỹ thuật tiêu chuẩn ở trong nhà có nguy cơ gây cháy nổ, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Trước tình hình đó, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã rất kịp thời chỉ đạo sát sao việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Chiều 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã họp với một số bộ, ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới; Các bộ, ngành tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, tác động của cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đối giá cả xăng dầu thế giới và các mặt hàng thiết yếu để đánh giá các tác động đối với thị trường trong nước và đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp; Sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Để góp phần ngăn chặn tình trạng thị trường xăng dầu “nóng” ảo, công tác thông tin tuyên truyền, công khai thông tin cũng hết sức quan trọng. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động và kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông để tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thông tin dẫn đến cách hiểu không đúng, tạo kẽ hở để các doanh nghiệp đầu cơ, găm hàng, gây hoang mang trong dư luận.

Điện, xăng dầu là nguồn năng lượng quốc gia, mặt hàng chiến lược có vai trò vô cùng quan trọng. Nền kinh tế nước ta mới chỉ phục hồi bước đầu sau 2 năm dài đại dịch COVID-19, việc găm hàng xăng dầu, đầu cơ, tạo cơn sốt giả để trục lợi sẽ tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế. Do vậy, cần có biện pháp xử phạt cứng rắn đối với những doanh nghiệp trục lợi giữa lúc kinh tế đất nước khó khăn như hiện nay.

Trần Thanh Tuấn