09:15 10/09/2014

Ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ lây lan

Để phòng tránh mắc bệnh đau mắt đỏ, người dân nên chú ý vệ sinh tại chỗ như rửa tay bằng xà phòng, không dụi mắt, không dùng chung dụng cụ sinh hoạt cá nhân.

Từ đầu tháng 9/2014, tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương, số bệnh nhân bị viêm kết mạc cấp (gọi là đau mắt đỏ) đến khám tăng đáng kể so với những ngày thường, trung bình mỗi ngày khoảng 60-70 lượt bệnh nhân. Còn tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị gần đây bắt đầu tăng.

Theo bác sỹ Trịnh Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, đây là thời điểm bệnh viêm kết mạc cấp hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ gia tăng mạnh nhưng năm nay bệnh xuất hiện sớm hơn so với mọi năm. Theo chu kỳ dịch thì bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện quanh năm nhưng có dấu hiệu tăng mạnh trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10. Tùy theo sự thay đổi thời tiết các năm, dịch đau mắt đỏ có thể đến sớm hơn hoặc muộn hơn. Năm nay số bệnh nhân đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng từ đầu tháng 9.

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện và có khả năng phát triển thành dịch, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành khẩn trương tăng cường công tác điều trị và dự phòng lây lan bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường bàn khám, nhân lực, trang thiết bị, thuốc… phục vụ khám, điều trị phòng bệnh đau mắt đỏ. Tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân các biện pháp phòng bệnh, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.

Bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: TTXVN


Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn quản lý, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường học để báo cáo kịp thời và xử lý theo quy định. Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phải báo cáo thường xuyên số liệu bệnh nhân đau mắt đỏ về Sở Y tế.

Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Hà Nội chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí; các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng về các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ và cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng.

* Trong khi đó tại Hà Nam, bác sĩ Trịnh Minh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện mắt tỉnh Hà Nam cho biết: Để chủ động kiểm soát bệnh đau mắt đỏ, bệnh viện đã thành lập các tổ công tác gồm 2 bác sĩ và 4 y tá trực tiếp xuống các cơ sở y tế tuyến huyện, xã phổ biến kiến thức, hướng dẫn cho người dân cách phòng tránh, các dấu hiệu và phương pháp điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Nếu có bệnh nhân nặng, các tổ công tác này sẽ thu dung để đưa lên tuyến trên điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng. Bệnh viện đã chuẩn bị cơ số thuốc để điều trị bệnh đau mắt đỏ cho người dân trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Theo thống kê của Bệnh viện mắt tỉnh Hà Nam, từ đầu tháng 9 đến nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 200 bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó tỷ lệ người mắc bệnh đau mắt đỏ chiếm khoảng 8-10%, đến nay chưa xuất hiện bệnh nhân nặng và biến chứng. Trên thực tế, số người bị đau mắt đỏ trên địa bàn cao hơn số liệu thống kê của bệnh viện bởi nhiều người đã tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, hoặc khám tại các phòng khám tư nhân.

Bác sĩ Phương khuyến cáo khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời, không được tự ý điều trị hoặc đắp mắt bằng lá trầu không vì sẽ gây biến chứng, làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa. Người bị đau mắt đỏ cần hạn chế đến nơi công cộng để tránh lây bệnh cho những người xung quanh. Để phòng tránh mắc bệnh đau mắt đỏ, người dân nên chú ý vệ sinh tại chỗ như rửa tay bằng xà phòng, không dụi mắt, không dùng chung dụng cụ sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chú ý tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.


Tuyết Mai, Nguyễn Cúc