12:06 20/12/2020

Ngăn biến tướng quà Tết

Quà Tết xưa nay vốn là một nét văn hóa của người Việt, thể hiện sự tri ân, quan tâm và sẻ chia mỗi khi Tết đến, xuân về. Nhưng khi quà Tết bị lợi dụng để tư lợi thì đó lại là vấn đề đáng lên án và cần ngăn chặn triệt để.

Tuần qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 48-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2021, trong đó nhấn mạnh: Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi...

Đây không phải là lần đầu tiên Ban Bí thư ra một chỉ thị như vậy, nhưng sự nhắc nhở, cảnh báo này không bao giờ thừa. Cứ mỗi dịp Tết đến, tư tưởng phải “quà cáp”, “biếu xén” cấp trên lại nổi lên và trong đó có không ít sự biến tướng nhằm phục vụ mục đích mưu cầu lợi ích riêng, mưu cầu danh lợi. Chỉ thị nhắc lại như vậy để cả người tặng và người được tặng đều phải tự vấn chính mình khi hành động, để loại bỏ cái tư tưởng “biếu xén” đó ngay từ đầu. Đặc biệt, với cán bộ, đảng viên thì càng phải thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương, mà trước hết là với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Ở đây, “nghiêm cấm” có nghĩa là không được làm dưới mọi hình thức. Không thể phủ nhận có những gói quà Tết chỉ mang ý nghĩa tri ân thuần túy để cảm ơn người đã hỗ trợ, giúp sức mình trong suốt một năm công tác, nhưng cũng khó có thể kiểm soát được những gói quà kiểu “đi đêm” mang tính chất nịnh nọt và thậm chí là hối lộ. “Nghiêm cấm” chính là để xử lý những trường hợp như thế này, theo đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc bắt quả tang những gói quà Tết “không trong sáng” là vô cùng khó khăn và tế nhị, vì đương nhiên cả bên cho và bên nhận đều không ai dại gì “lạy ông tôi ở bụi này” và đây còn là câu chuyện thể diện của mỗi người nữa. Khi “lò lửa” chống tham nhũng ngày càng nóng thì hình thức tặng quà ngày càng kín đáo, tinh vi hơn. Quà Tết kiểu này biến thể muôn hình vạn trạng và được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau, chứ không đơn thuần là “phong thơ” hay món quà quê dân dã nữa, nên rất khó để xử lý.

Người viết từng được một lãnh đạo Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) chia sẻ về những biến tướng của quà Tết, đó có thể là những đồ vật trang trí, chơi Tết có giá trị lớn, thậm chí là những cây cảnh trị giá hàng tỷ đồng… Và tất nhiên, tất cả đều không có địa chỉ người gửi. Rồi “quan ông” thì không bao giờ ra mặt, mà chỉ có “quan bà” tiếp nhận... Với những trường hợp như vậy thì chỉ biết “bó tay”. Quà Tết “không trong sáng” có… lộ sáng hay không, điều đó gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và sự tự giác của người tặng và người nhận, nhất là từ phía người nhận.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ năm 2019, có 6 cá nhân nộp lại quà tặng trị giá 182 triệu đồng; ba vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng trị giá gần 4 tỉ đồng đã bị xử lý. Năm 2018 có 10 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với tổng số tiền là 145 triệu đồng… Những con số này liệu đã phản ánh đúng thực tế hay chưa? Có lẽ, chỉ “nằm trong chăn mới biết chăn có rận” mà thôi. Hy vọng mỗi cấp, mỗi ngành, cho đến mỗi cá nhân không chỉ biết hô hào theo chỉ thị của Ban Bí thư, không chỉ biết nói suông “không tặng quà Tết”, “không nhận quà Tết”.

Không phải ai cũng thích tặng quà Tết cho lãnh đạo và không phải lãnh đạo nào cũng thích nhận. Nhiều người rơi vào tình huống hết sức khó xử kiểu “tiến thoái lưỡng nan” như vậy. Lúc này, cần lắm bản lĩnh để biết nói “Không”, nhất là với cán bộ, đảng viên. Ở một góc độ nào đó, “Không” ở đây còn là không luồn cúi, không nịnh bợ. “Không” cũng phần nào là không nhận hối lộ, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vun vén cá nhân.

Trong một năm mà người dân cả nước đã vô cùng chật vật chống chọi với đại dịch COVID-19 và miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục hứng chịu nhiều đau thương, mất mát do thiên tai, bão lũ, lúc này, khi xuân đang đến thật gần, cần biết bao những món quà Tết đến đúng địa chỉ những gia cảnh khó khăn. Đây cũng là tinh thần chủ đạo của Chỉ thị của Ban Bí thư, bảo đảm để mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết. Theo đó, Chỉ thị nhấn mạnh: Đặc biệt quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi; công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp...

Dành sự quan tâm đến đúng đối tượng, khi ấy, tặng và nhận quà Tết trở thành một câu chuyện nhân văn. Điều đó khác xa với những món quà Tết chỉ mang nặng tính lễ nghi hình thức, càng khác với những món quà Tết biến tướng, núp bóng quà Tết để mưu cầu, vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Trung Sơn