10:19 02/10/2018

Ngăn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập qua biên giới Quảng Ninh

Ngày 2/10, Đoàn công tác do Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra của Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Hữu Việt – Văn Đức/TTXVN

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu khẳng định, Quảng Ninh quyết tâm cao nhất không để dịch vào Việt Nam qua tỉnh này.

Theo ông Hậu, Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Toàn tỉnh quyết liệt ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm từ lợn tại khu vực biên giới vào nội địa; thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi, khu vực cửa khẩu, các chợ…

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn; thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để triển khai công tác ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương có biên giới như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái và các địa phương có nguy cơ cao khác. Quảng Ninh đã thành lập tổ ứng phó nhanh để hỗ trợ các địa phương xử lý ngay ổ dịch khi mới phát sinh.

Qua kiểm tra cho thấy, các bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn Quảng Ninh thường xảy ra rải rác và được phát hiện kịp thời, không lây lan thành dịch. Đến nay, chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Quảng Ninh.

Công tác xử lý vận chuyển, buôn bán động vật trái phép được các lực lượng chức năng Quảng Ninh triển khai quyết liệt và có hiệu quả.

Từ đầu tháng 8/2018 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt giữ, xử lý 5 vụ vận chuyển 1.970 kg lợn thịt, 440 kg nội tạng lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Toàn tỉnh tiêm phòng hơn 2,3 triệu liều vắc xin các loại cho đàn gia súc, gia cầm và phun hơn 15.200 lít hóa chất để khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, chợ kinh doanh buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, ổ dịch và nơi có nguy cơ cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của Quảng Ninh; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như công điện của bộ trong việc ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam; chỉ đạo lực lượng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, công an, kiểm dịch động vật tăng cường kiểm tra, kiểm soát bắt giữ và xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới; tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tuyên truyền để người dân, nhất là cư dân biên giới, không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh. Khi bắt giữ được lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển trái phép phải kiên quyết tiêu hủy và lấy mẫu giám sát dịch bệnh trước khi tiêu hủy.

Tăng cường giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh hoặc nghi mắc bệnh phải xác minh và xử lý kịp thời. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 3 năm 2018, đặc biệt quan tâm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, các chợ, điểm kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn, những nơi có nguy cơ cao; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch…

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành, địa phương nhận định, việc giá lợn thịt, lợn giống của Trung Quốc khu vực giáp biên giới thấp hơn giá lợn trong nước, cộng thêm khu vực biên giới có nhiều đường mòn, lối mở… đã tạo áp lực lớn trong việc kiểm soát, ngăn chặn thẩm lậu vào địa bàn.

Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh còn chậm, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Văn Đức (TTXVN)