05:11 02/05/2023

Ngắm những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người Khmer tại Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất cả nước, vì thế cũng là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer, đặc biệt là kiến trúc tại các ngôi chùa.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan chùa Chén Kiểu tại Sóc Trăng.

Chùa Chén Kiểu (chùa Sà Lôn) nổi bật bởi những họa tiết đủ màu như tím, xanh, đỏ, hồng, cam… từ sành sứ, chén đĩa.

Theo lời kể lại, trước kia, trong quá trình xây dựng, do thiếu kinh phí nên chùa đã vận động các phật tử quyên góp các loại chén kiểu để phục vụ cho việc trang trí. Vì vậy mà ngôi chùa này có tên là Chén Kiểu để ghi nhớ việc chung tay góp sức xây chùa của bà con Khmer nơi đây.

Trong khi đó, đến với chùa Som Rong, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều khối kiến trúc độc đáo mang màu sắc sặc sỡ, bắt mắt trong văn hóa của người Khmer. Bên ngoài ngôi chùa được trang trí những biểu tượng như: rắn Naga, nữ thần Keynor, chim thần Krud, chằn tinh Yeak… mang đậm nét văn hóa Khmer truyền thống.

Ở bên trong, chánh điện chùa Som Rong là những bức bích họa mô tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca được vẽ trên vách tường và trần nhà. Điểm độc đáo nhất của ngôi chùa này là pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn với kích thước dài 63 m, cao 22,5 m được đặt cách mặt đất khoảng 28 m. Đây cũng là điểm thu hút những du khách thập phương đến chiêm bái và tìm hiểu về các kiến trúc lẫn văn hóa độc đáo của người Khmer.

Đến với chùa Dơi (còn được gọi là chùa Mahatup), du khách sẽ nhìn thấy bao bọc quanh chùa là cả một cánh rừng với đủ lại cây và nhiều nhất vẫn là cây sao và dầu. Sở dĩ ngôi chùa có tên là Chùa Dơi bởi nơi đây là điểm trú ngụ của rất nhiều con dơi quạ với nhiều con lớn đến mức sải cánh dài cả mét. Cứ chiều chiều chúng lại bay về chùa trú ngụ, treo mình đen kịt trên các nhánh cây.

Hiện nay, chùa Dơi là ngôi chùa Khmer hiện vẫn đang lưu trữ khá nhiều báu vật quý giá như: pho tượng Đức Phật làm bằng đá, các bộ kinh luật viết trên lá cây thốt nốt hay những chiếc đèn dầu cổ... Mỗi ngày, chùa Dơi đón tiếp hàng ngàn du khách đến đây tham quan, cũng như để ngắm dơi và cầu nguyện.

Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh độc đáo của một số chùa Khmer tại Sóc Trăng:

Chú thích ảnh
Nằm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km, chùa Chén Kiểu thu hút khá đông du khách đến tham quan vào các ngày cuối tuần.
Chú thích ảnh
Các vật liệu trang trí là những chiếc chén, đĩa... do người dân ủng hộ khi xây chùa. 
Chú thích ảnh
Kiến trúc tuyệt đẹp của chùa Chén Kiểu là mái nóc có 3 nếp, nếp dưới cùng có kích thước khá lớn và nhỏ dần khi lên cao. Mỗi nếp trang trí với nhiều họa tiết cùng các tượng Khmer mang theo ước vọng bình yên.
Chú thích ảnh
Khuôn viên bên trong chùa Chén Kiểu khá rộng để du khách đến bái Phật và chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo.
Chú thích ảnh
Chùa Som Rong cũng được xây dựng theo kiểu kiến trúc giống như các chùa Khmer Nam bộ khác, bao gồm: chánh điện, sala, nhà dành cho sư sãi và còn có thêm một thư viện sách có hơn 1.500 quyển, phục vụ cho các em học sinh, người dân và bà con Phật tử tại địa phương. 
Chú thích ảnh
Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn là điểm ấn tượng nhất đối với du khách thập phương khi tham quan tại chùa Som Rong, Sóc Trăng.
Chú thích ảnh
Du khách trong trang phục truyền thống của người Khmer bên cạnh kiến trúc độc đáo của chùa Som Rong. 
Chú thích ảnh
Chùa Som Rong còn thu hút du khách thập phương với ngôi bảo tháp có bốn cửa và bốn lối đi mang ý nghĩa đại diện cho từ - bi - hỷ - xả trong kinh Phật.
Chú thích ảnh
Chùa Dơi hay còn gọi là chùa Mã Tộc tọa lạc tại số 73B đường Lê Hồng Phong, Phường 3, thành phố Sóc Trăng.
Chú thích ảnh
Đây là một trong những ngôi chùa ở Sóc Trăng có niên đại lâu đời nhất do cộng đồng người Khmer xây dựng cách nay đã hơn 440 năm.
Chú thích ảnh
 Chùa Dơi được trang trí với những sắc vàng đặc trưng và mang kiến trúc độc đáo của người Khmer.
Chú thích ảnh
Đến với chùa Dơi, du khách còn có thể thưởng thức các tiết mục âm nhạc truyền thống của người Khmer. 
Chú thích ảnh
Sóc Trăng đang thu hút du khách bởi những ngôi chùa có lối kiến trúc độc đáo của người Khmer.

          

Chùm ảnh, clip: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức