10:10 30/10/2019

Ngắm biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại cực Nam của Tổ quốc 

Giờ đây, khi tới thăm Đất Mũi - điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc, du khách không chỉ được chạm tay vào cột mốc tọa độ quốc gia mà còn tự hào về cột cờ thiêng liêng, sừng sững giữa trời Nam Tổ quốc.

Cuối tháng 10/2019, công trình mang biểu tượng Cột cờ Hà Nội được xây dựng tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), điểm cực Nam của Tổ quốc, đã hoàn thiện. Hiện các công nhân đang gấp rút thi công để hoàn thiện một phần tuyến đường T1 nối từ Cột cờ Hà Nội đến vòng xoay bến ca nô để sớm đưa vào khánh thành vào đầu tháng 12/2019.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Công trình Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau được động thổ xây dựng vào tháng 1/2016 tại xã Đất Mũi - điểm cực Nam Tổ quốc.

“Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được xem là một công trình thế kỷ, có giá trị nghệ thuật, kiến trúc đẹp mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử và có ý nghĩa thiêng liêng khẳng định chủ quyền lãnh thổ dân tộc, chủ quyền biển đảo quốc gia, gắn bó Bắc - Nam một nhà, gắn bó tình cảm keo sơn, sâu nặng của người dân Thủ đô đối với quê hương đất Mũi Cà Mau và bạn bè quốc tế. Sau khi khởi công từ tháng 1/2016, đến nay công trình đã hoàn thành. Dự kiến lễ khánh thành cột cờ sẽ diễn ra vào dịp diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019 được tổ chức trong tháng 12 tới", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Chú thích ảnh
Công trình gồm ba khối đế và phần tháp. Tầng 1 cao 4m, tầng 2 cao 4,4m và tầng 3 cao 6m. Tháp Cột cờ cao 24,5m, hình bát giác côn (thu lại phía trên), trên đỉnh là lầu bát giác cao 3,9m, tầng mái lầu bát giác cao 1,5m. Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau nằm trong Khu du lịch Mũi Cà Mau, gần với các công trình quan trọng như: Cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh…
Chú thích ảnh
Biểu tượng Cột cờ Hà Nội đặt tại Mũi Cà Mau có tổng mức đầu tư xây dựng gần 140 tỷ đồng, thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội cổ xưa, được xây dựng kiên cố, hiện đại, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển.

Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Người dân Cà Mau không phải ai cũng được đến Hà Nội chiêm ngưỡng cột cờ. Phiên bản cột cờ đặt tại Mũi Cà Mau vừa là biểu tượng chung của cả nước, mọi người nhìn biểu tượng cột cờ này nghĩ nghĩa đến Cột cờ Hà Nội, nghĩ đến tình cảm thiêng liêng đối với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Chú thích ảnh
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được mô phỏng theo kiến trúc cột cờ tại Thủ đô Hà Nội, được xây dựng kiên cố, gồm 3 tầng đế và thân cột cờ. Tổng chiều cao công trình, tính cả cán cờ, là hơn 41 mét.
Chú thích ảnh
Tháp Cột cờ cao 24,5m, hình bát giác côn (thu lại phía trên).

Công trình có khu vực phục vụ biểu diễn lễ hội, có thang dẫn lên kỳ đài để phục vụ khách tham quan du lịch, khu vực trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử... Từ trên kỳ đài, khách tham quan có thể phóng tầm mắt ngắm cảnh rừng đước xanh tươi, bãi bồi Đất Mũi và biển Đông mênh mông.

Chú thích ảnh
Phía bên trong cột cờ sẽ được làm khu vực trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử.
Chú thích ảnh
Thang dẫn lên kỳ đài để phục vụ khách tham quan du lịch
Chú thích ảnh
Từ trên kỳ đài, khách tham quan có thể phóng tầm mắt ra rừng đước xanh tươi, bãi bồi Đất Mũi và biển Đông mênh mông.
Chú thích ảnh
Cột mốc tọa độ Quốc gia, biểu tượng mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh… có thể được nhìn thấy khi lên kỳ đài.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Năm 2018, tỉnh Cà Mau có hơn một triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 30.000 lượt khách quốc tế. Tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 2 triệu lượt khách/năm.
Chú thích ảnh
Hiện các công nhân đang gấp rút thi công để hoàn thiện một phần tuyến đường T1 nối từ biểu tượng cột cờ đến vòng xoay bến ca nô để sớm đưa vào khánh thành vào đầu tháng 12/2019.

Cột cờ Hà Nội ở Mũi Cà Mau sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến với cực Nam Tổ quốc.

Tin, ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức