08:00 14/08/2020

Nga yêu cầu 14.000 người dân gần biên giới với Mông Cổ tiêm vaccine ngừa dịch hạch

Ngày 13/8, giới chức tỉnh Tuva thuộc vùng Siberia của Nga đã yêu cầu toàn bộ người dân ở hai huyện giáp biên giới với Mông Cổ phải tiêm chủng vaccine ngừa dịch hạch.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa dịch bệnh cho người dân ở tỉnh Tuva. Ảnh minh họa: siberiantimes.com

Nhấn mạnh "căn bệnh này (dịch hạch) rất nguy hiểm", người đứng đầu tỉnh Tuva, Sholban Kara-ool cho biết tất cả người chăn thả gia súc cũng như toàn bộ cư dân từ 2 tuổi trở lên của hai huyện Ovyursky và Mongun-Taiginsky phải được tiêm chủng vaccine phòng dịch hạch. Hai huyện biên giới này là nơi sinh sống của khoảng 14.000 người. 

Lệnh trên được ban bố một ngày sau khi Bộ Y tế Mông Cổ thông báo ca tử vong mới nhất do dịch hạch ở miền Tây nước này.

Giới chức y tế Nga trước đó đã kêu gọi người dân ở các vùng núi Tuva và Altai không săn bắt hoặc ăn marmot (một loài sóc đất khổng lồ), một loài gặm nhấm có nguy cơ mang mầm bệnh dịch hạch. 

Được ví như "cái chết đen" thời Trung cổ, bệnh dịch hạch là căn bệnh do trực khuẩn Yersinia Pestis lây lan trong quần thể các loài gặm nhấm như chuột và bọ chét, trong đó chuột được coi là mầm bệnh nguy hiểm. Căn bệnh này có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm do tỷ lệ tử vong cao từ 30 - 60%.

Trực khuẩn Yersinia Pestis có thể xâm nhập vào cơ thể con người bằng nhiều cách như qua vết đốt của bọ chét, theo các giọt nước bọt nhỏ bắn ra từ đường hô hấp của bệnh nhân, do tiếp xúc trực tiếp với vật thể nhiễm vi khuẩn qua niêm mạc hầu họng hoặc những vùng da bị tổn thương, hoặc qua đường tiêu hóa.

Phương Oanh (TTXVN)