09:10 23/09/2014

Nga xây 8 lò phản ứng hạt nhân cho Nam Phi

Nga và Nam Phi đã ký một hợp đồng lớn về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, theo đó Nga sẽ cung cấp và xây dựng 8 lò phản ứng trị giá 50 tỉ USD tại Nam Phi vào năm 2023.

Ngày 22/9, bên lề hội nghị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna (Áo), Nga và Nam Phi đã ký một hợp đồng lớn về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, theo đó Nga sẽ cung cấp và xây dựng 8 lò phản ứng tại Nam Phi vào năm 2023.

Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị ở Vienna ngày 22/9. Ảnh: AFP/ TTXVN


Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn nguồn tin của Hãng thông tấn SAPA (Nam Phi) cho biết thỏa thuận này có tổng giá trị gần 50 tỷ USD, với mỗi lò phản ứng trị giá hơn 5 tỷ USD. Thỏa thuận cũng đề cập đến việc Nga giúp xây dựng hệ thống hạ tầng và đào tạo chuyên gia cho Nam Phi, nhất là chuyên gia về công nghệ hạt nhân, tại các trường đại học của Nga.

Phát biểu sau lễ ký, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nam Phi Tina Joemat-Pettersson cho rằng thỏa thuận đã "mở ra cánh cửa để Nam Phi tiếp cận công nghệ, nguồn vốn và hạ tầng của Nga, đồng thời cung cấp nền tảng thích hợp và vững chắc cho quan hệ hợp tác sâu rộng trong tương lai".

Bà Joemat-Pettersson cũng bày tỏ tin tưởng rằng thỏa thuận sẽ giúp Nam Phi thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng là sản xuất được 9,6 gigawalt (GW) điện năng vào năm 2030 dựa trên công nghệ hạt nhân hiện đại và an toàn. Nam Phi coi năng lượng hạt nhân là một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Ông Sergey Kirienko, Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử của Nga Rosatom, cho biết đây là những lò phản ứng đầu tiên của Nga tại châu Phi và với thỏa thuận này, Rosatom sẽ tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho người dân Nam Phi cũng như mang lại lợi ích lớn cho các ngành công nghiệp địa phương.

Hiện Nam Phi chỉ có một nhà máy điện hạt nhân và 85% nhu cầu về điện năng phải dựa vào các nhà máy nhiệt điện tương đối cũ. Nền kinh tế tiên tiến nhất châu Phi này cũng đang có kế hoạch phát triển công nghiệp năng lượng từ nguồn khí đá phiến khá dồi dào của mình.


TTXVN/Tin tức