04:14 18/04/2020

Nga và Mỹ nhất trí phối hợp vượt qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ

Ngày 17/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cuộc khủng hoảng thị trường dầu mỏ và sự ổn định chiến lược.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải). Ảnh: AFP-THX/TTXVN

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ hai ngoại trưởng đã tiếp tục trao đổi quan điểm về tình hình toàn cầu do dịch COVID-19 và sự bất ổn tại các thị trường dầu mỏ thế giới. Hai quan chức này đều tuyên bố sẵn sàng phối hợp hành động nhằm vượt qua các thách thức khẩn cấp sớm nhất có thể. 

Liên quan đến vấn đề ổn định chiến lược, Ngoại trưởng Lavrov đã nhắc lại đề xuất gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START), nhấn mạnh Nga đã sẵn sàng hợp tác để đạt được các thỏa thuận mới về vũ khí hạt nhân. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã nhất trí tăng cường đối thoại song phương về việc hạn chế và không gia tăng vũ khí.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã nói rằng mọi cuộc đàm phán trong tương lai về vấn đề kiểm soát vũ khí cần phải dựa trên tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận kiểm soát vũ khí ba bên, bao gồm cả Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đó, Trung Quốc đã phản đối các cuộc thảo luận như vậy.

Năm ngoái, Tổng thống Trump đã đề xuất Mỹ, Nga và Trung Quốc đàm phán về một hiệp ước mới thay cho New START ký kết năm 2010. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất gia hạn New START một cách vô điều kiện và hiện vẫn đang chờ phản bồi của Mỹ. Nếu như không được gia hạn thêm 5 năm, hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.

Liên quan đến tình hình thị trường dầu mỏ, cùng ngày, công ty dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia tuyên bố sẽ duy trì việc bán 8,5 triệu thùng dầu thô/ngày ra thị trường kể từ tháng 5 tới. Động thái này là một phần trong thỏa thuận cắt giảm nguồn cung mà OPEC+, gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ,đạt được vào tuần trước.

Trong khi đó, Bloomberg đưa tin trong tháng 4, Saudi Arabia sẽ bán khoảng 600.000 thùng dầu thô/ngày cho Mỹ, đây cũng là mức cao nhất trong một năm.

Ngày 12/4 vừa qua, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu. Động thái này nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở khắp nơi trên thế giới.

Theo đó, OPEC+ nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng 5-6. Đây được coi là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay và các nước OPEC+ sẽ tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm, đến tháng 4/2022.

Đặng Ánh (TTXVN)