11:17 20/11/2012

Nga và Mỹ đạt thỏa thuận về NMD và Dải Gaza

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đạt được thỏa thuận bước đầu, liên quan đến Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Lầu Năm Góc có kế hoạch bố trí tại nhiều khu vực trên thế giới.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đạt được thỏa thuận bước đầu, liên quan đến Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Lầu Năm Góc có kế hoạch bố trí tại nhiều khu vực trên thế giới, trước hết tại châu Âu, cũng như những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza.

Phát biểu về kết quả cuộc gặp ngày 20/11 tại Phnom Penh (Phnôm Pênh, Campuchia) với Ngoại trưởng Clinton, ông Lavrov tuyên bố bà Clinton đã khẳng định rằng Mỹ sẵn sàng tìm kiếm thỏa thuận cùng nhân nhượng về NMD.


Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hồi tháng 9. Nguồn: Internet.


Ngoại trưởng Lavrov xác nhận Nga và Mỹ hiện còn nhiều bất đồng liên quan đến các vấn đề toàn cầu như khả năng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria (Xyri) hoặc NMD.

Tuy nhiên, hai bên tiếp tục tìm kiếm những thỏa thuận có thể đáp ứng triệt để lợi ích an ninh của LB Nga. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Lavrov nêu rõ bà Clinton đã nói rằng Tổng thống Barack Obama sẵn sàng tìm kiếm các thỏa thuận cùng nhân nhượng trong vấn đề NMD.

Về cuộc xung đột vũ trang hiện nay tại Dải Gaza, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh ông và bà Clinton đã thỏa thuận rằng Nga và Mỹ sẽ ra sức ủng hộ những nỗ lực của Ai Cập và các nước khác nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và tìm giải pháp hòa bình.

Ông Lavrov cho biết các đại diện Nga đang tăng cường tiếp xúc với phía Israel (Ixraen) và Plestine (Palextin), trong đó có phong trào Hamas, đồng thời nỗ lực trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang tại Gaza.

Sự thống nhất này giữa Mỹ và Nga có tầm quan trọng to lớn vì sau khi đạt được hòa giải tại Gaza, Nga sẽ tìm cách nối lại hoạt động của "Nhóm Bộ tứ" (gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc) về Trung Đông nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho khu vực này.


TTXVN/ Tin Tức