02:14 23/02/2016

Nga ứng phó ra sao nếu Saudi Arabia mang tên lửa tới Syria?

Saudi Arabia thông báo sẵn sàng làm căng thẳng leo thang tại Syria bằng việc cung cấp tên lửa đất đối không cho các phe “đối lập ôn hòa”.

Các phần tử IS khai hỏa tên lửa chống tăng tại Syria. Ảnh: AP

Trong bối cảnh quân đội Syria đang lợi thế giành lại quyền kiểm soát trên các mặt trận tiền tuyến, Saudi Arabia thông báo sẵn sàng làm căng thẳng leo thang bằng việc cung cấp tên lửa đất đối không cho các phe “đối lập ôn hòa”. Nhưng liệu đây có phải là mối đe dọa thực sự hay chỉ là một phần chiêu trò trong trận chiến thông tin của Riyadh.

Vào hôm thứ Sáu (19/2), trả lời phỏng vấn tạp chí Spiegel của Đức, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir tuyên bố Riyadh đang chuẩn bị điều hệ thống tên lửa đất đối không tới Syria để hỗ trợ các nhóm nổi dậy ôn hòa chống lại quân đội chính phủ.

“Chúng tôi tin rằng với việc triển khai tên lửa đất đối không ở Syria sẽ thay đổi cán cân lực lượng trên mặt đất. Nó cho phép các phe đối lập có thể vô hiệu hóa trực thăng và máy bay chiến đấu mang bom và chất hóa học của quân đội chính phủ Syria cũng như Nga”. Tuy nhiên ông Adel al-Jubeir cũng tỏ ra thận trọng với lời tuyên bố của mình. Ông nhấn mạnh “Kế hoạch này sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, không thể để vũ khi rơi vào tay các đối tượng xấu, điều đó sẽ là một sai lầm chết người”.

Hiện các phe “đối lập ôn hòa” mà ông Adel al-Jubeir đề cập vẫn chưa chỉ đích danh nhóm nào, song nhiều báo chí truyền thông phương Tây đã thừa nhận chính quyền Riyadh đang hỗ trợ và trang bị vũ khí cho các tay súng ủng hộ IS.

Cụ thể hơn, Saudi Arabia ủng hộ tổ chức al-Fatah – một liên minh bao gồm các nhóm Hồi giáo cực đoan thân với al-Qaeda có trụ sở tại Idlib, trong đó có Mặt trận al-Nusra, Ahrar ash-Sham và Jund al-Aqsa. Đây không phải là lần đầu tiên Saudi Arabi “dọa” đem tên lửa phòng không tới Syria. Trước đó quốc gia dầu mỏ này cũng đã đưa ra lời cảnh báo tương tự vào tháng 2/2104 và tháng 10/2015.

Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra làm thế nào để Saudi Arabia xác định chính xác đối tượng mình cần hỗ trợ và đưa vũ khí cho họ qua đường nào? Tình hình chiến tranh ở Syria đang ở thế bất lợi đối với cả tổ chức IS nói riêng cũng như các nhóm thuộc phe nổi dậy ôn hòa nói chung. Các đội tượng này không thể nào nhận vũ khí trong bối cảnh Quân đội chính phủ Syria, được lực lượng người Kurd ủng hộ, đang nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát phía bắc và nam đất nước, giải phóng các thành phố chiến lược và tiến về khu biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, cắt đứt đường dây vận chuyển vũ khí, chiêu mộ phiến quân tự do.

Khi được hỏi liệu ông có lo ngại vũ khí của Saudi sẽ rơi vào tay tổ chức khủng bố IS, Ngoại trưởng Adel al-Jubeir đùn đẩy trách nhiệm sang cho Mỹ, khẳng định “quyết định này phải do liên quân quốc tế đưa ra. Không phải một mình Saudi Arabia tự quyết”.

Và nếu như sự việc diễn biến theo đúng lời nói của ông Adel al-Jubeir thì có lẽ Saudi sẽ chẳng bao giờ có thể triển khai hệ thống tên lửa phòng không tới Syria, trừ phi chính phủ Washington hoàn toàn không suy nghĩ đến trường hợp các phần tử thánh chiến có thể lợi dụng điều này bắn hạ các máy bay của nước này đang dội bom IS ở Iraq và phía đông Syria.

Cho ý kiến về lời tuyên bố của Ngoại trưởng Saudi Arabia, ông Nic R. Jenzen-Jones – giám đốc cố vấn tình báo kỹ thuật Viện nghiên cứu vũ trang nhấn mạnh “về phương diện kỹ thuật, các loại tên lửa đất đối không của Saudi được vận chuyển cho các lực lượng đối lập ôn hòa chỉ tác động tới máy bay của chính phủ Syria, đặc biệt là các loại phi cơ cánh quay như trực thăng, chứ không có ảnh hưởng lớn tới các chiến đấu cơ hiện đại mà Nga đang triển khai trên khu vực”.

Hồng Hạnh (theo Sputnik)