10:18 30/10/2019

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung tại Syria từ 1/11

Từ ngày 1/11 tới, các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phối hợp tuần tra chung tại vùng lãnh thổ Syria trong phạm vi bán kính 7 km tính từ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thông báo ngày  30/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng cho biết thêm thành viên Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) chưa hoàn tất việc rút khỏi khu vực đã thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh Ankara bảo lưu quyền phát động một chiến dịch khác chống YPG trong khu vực này. 

Chú thích ảnh
Đoàn xe quân sự Nga di chuyển tới thành phố Kobane, miền Đông Bắc Syria, tham gia hoạt động tuần tra chung của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực do người Kurd từng kiểm soát, ngày 25/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hoạt động tuần tra trên là một phần của thỏa thuận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nội dung thỏa thuận đạt được hôm 22/10 vừa qua, lực lượng quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria sẽ triển khai tại khu vực biên giới bên phía Syria và tạo điều kiện cho các thành viên YPG rút khỏi các khu vực biên giới và lùi sâu 30 km về phía lãnh thổ Syria, đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập "vùng an toàn" ở biên giới, với một thời hạn nhất định. Sau đó, các lực lượng tuần tra chung Nga - Thổ sẽ bắt đầu ở phía Tây và Đông của khu vực xảy ra chiến dịch trên, trong bán kính 10 km. Hai bên sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự thâm nhập của các tay súng khủng bố. Ngoài ra, một cơ chế giám sát và xác minh chung sẽ được thiết lập để đánh giá và phối hợp thực hiện biên bản ghi nhớ. 

Ngày 29/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết lực lượng người Kurd đã rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi khu vực an toàn gần biên giới phía Đông Bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, sớm hơn so với dự kiến.

Thỏa thuận Nga - Thổ được đánh giá là một thành công lớn, kết thúc chiến dịch quân sự gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria.

Khi phát động chiến dịch trên ngày 9/10, Thủ tướng Erdogan khẳng định chỉ nhằm vào lực lượng người Kurd và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Bắc Syria, để đảm bảo an ninh biên giới và "đem lại hòa bình cho khu vực".

Tuy nhiên, chiến dịch làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.  Theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ, ít nhất 114 dân thường đã thiệt mạng và 300.000 người phải đi sơ tán vì giao tranh.

Bích Liên (TTXVN)