02:11 21/02/2014

Nga thành lập Bộ Tư lệnh chiến lược ở Bắc Cực vào cuối năm

Nga sẽ thành lập Bộ Tư lệnh chiến lược hợp nhất-Hạm đội phương Bắc. Bộ tư lệnh này sẽ bao gồm cả hạm đội phương Bắc, các lữ đoàn chiến đấu Bắc Cực, các đơn vị không quân, phòng không và khối cơ quan bảo đảm.

Dẫn lời một quan chức cấp cao trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên bang Nga, hãng tin RIA Novosti, cho biết: Nga sẽ thành lập Bộ Tư lệnh chiến lược hợp nhất-Hạm đội phương Bắc. Bộ tư lệnh này sẽ bao gồm cả hạm đội phương Bắc, các lữ đoàn chiến đấu Bắc Cực, các đơn vị không quân, phòng không và khối cơ quan bảo đảm.

Báo cáo cũng cho biết, Bộ Tư lệnh chiến lược hợp nhất-Hạm đội phương Bắc sẽ “chịu trách nhiệm bảo vệ tàu chở hàng, tàu cá, các mỏ dầu, khí của Nga tại thềm lục địa Bắc Cực cũng như biên giới quốc gia phía bắc”.

Tàu chiến thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga. Ảnh: RIA Novosti


Tổng thống Vladimir Putin coi việc tăng cường hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực là ưu tiên quan trọng trong nhiệm kì thứ 3. Tại cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội ngày 10/12/2013, ông Putin nói: “Tôi yêu cầu cần phải đặc biệt chú ý đến việc triển khai các đơn vị quân đội, cơ sở hạ tầng tại Bắc Cực”.

Nhiều quan chức Nga cũng cho biết, Moskva sẽ cho mở lại ít nhất 7 đường băng, cùng với nhiều cảng ở quần đảo New Siberia và Franz Josef Land thuộc Bắc Cực. Quân đội Nga đã bắt đầu nâng cấp các trạm radar cảnh báo sớm ở vùng đất băng giá này. Hải quân Nga xem tăng cường hiện diện ở Bắc Cực là một ưu tiên trọng tâm trong năm 2014. Theo đó, "Hạm đội phương Bắc sẽ thực hiện các chuyến do thám, khảo sát ở Bắc Cực, phát triển hàng loạt các tàu tuần tra lớp băng để bảo vệ lợi ích quốc gia ở khu vực”.

Bộ Tư lệnh chiến lược hợp nhất – Hạm đội phương Bắc được cho là sẽ trở thành đầu mối hợp nhất các đơn vị khác nhau, kể cả lực lượng tuần duyên. Hiện tượng băng tan chảy ở Bắc Cực được cho là sẽ làm xuất lộ những mỏ năng lượng giàu có, mở ra các tuyến hàng hải chiến lược mới, có tác động mạnh tới địa chính trị toàn cầu trong những năm tới. Ví dụ như, nếu các hải trình mới được thiết lập, nó sẽ làm giảm đáng kể quãng đường từ châu Á với châu Âu, cũng như giữa châu Á với Mỹ, Canada. Đó cũng là lý do vì sao mà rất nhiều nước đồng loạt lên tiếng, hoặc là có các bước đi khẳng định chủ quyền ở Bắc Cực. Nga là nước “tích cực” nhất, vì Moskva sẽ hưởng lợi lớn nhất khi băng tan ở Bắc Cực. Một Bắc Cực ấm dần lên sẽ cho phép Nga lần đầu tiên trong lịch sử nối kết Hạm đội phương Bắc với Hạm đội Thái Bình Dương. Không những vậy, Nga còn có ý định kiểm soát độc quyền tuyến hàng hải biển Bắc nối châu Á với châu Âu, xem đây là “lợi ích quốc gia cốt lõi”.


HT (Worldaffairs)