06:10 18/06/2014

Nga phổ biến dự thảo nghị quyết mới về Ukraine

Dự thảo nghị quyết lần này lên án việc pháo kích vào khu vực dân cư và các công trình dân sự cũng như các đoàn xe cứu trợ nhân đạo, đặc biệt bày tỏ quan ngại trước thông tin từ miền đông Ukraine về việc sử dụng bom cháy và các loại vũ khí bị cấm.

Ngày 17/6, Nga đã phổ biến dự thảo nghị quyết mới về Ukraine trước khi trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ở phía đông nam của nước láng giềng này. Dự thảo nghị quyết mới lần này dài hơn và cụ thể hơn dự thảo cũ mà Nga vừa công bố hồi tuần trước.

Dự thảo nghị quyết lần này lên án việc pháo kích vào khu vực dân cư và các công trình dân sự cũng như các đoàn xe cứu trợ nhân đạo, đặc biệt bày tỏ quan ngại trước thông tin từ miền đông Ukraine về việc sử dụng bom cháy và các loại vũ khí bị cấm khác, đặc biệt là tại các khu vực đông dân cư.

Văn bản này cũng yêu cầu chấm dứt bạo lực, thiết lập ngừng bắn để đối thoại, thiết lập tạm thời hành lang nhân đạo. Dự thảo nghị quyết cũng ủng hộ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng trên cơ sở thỏa thuận Geneva ngày 17/6 và lộ trình của OSCE. Ngoài ra dự thảo nghị quyết lên án việc bắt giữ các quan sát viên OSCE cũng như các nhà báo.

Ông Vitaly Churkin.


Đại diện thường trực Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng dự thảo nghị quyết có thể được thông qua nếu các nước phương Tây tại HĐBA không tìm mọi cách biện bạch cho chính quyền Kiev.

Cùng ngày, phát biểu với báo chí tại New York, ông Churkin cảnh báo áp dụng thiết quân luật tại miền đông Ukraine sẽ là một bước đi sai lầm và làm gia tăng bạo lực. Ông Churkin cũng tỏ ý lấy làm tiếc rằng Tổng thống Petro Poroshenko đã lựa chọn chiến dịch quân sự thay vì đàm phán với các vùng Donesk và Lugansk. Ông cho rằng đây là khởi đầu tồi cho nhiệm kì Tổng thống của ông Poroshenko trong khi ông có cơ hội khởi động đàm phán với miền đông.

Liên quan đến vụ sát hại nhà báo Nga tại Lugansk, HĐBA ngày 17/6 ra tuyên bố kêu gọi điều tra các vụ bạo lực đối với các nhà báo tại Ukraine. Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại về các trường hợp bắt giữ và cản trở các nhà báo tác nghiệp tại Ukraine.

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế HRW tuyên bố chính quyền Ukraine cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế khi thực hiện các chiến dịch quân sự. Cơ quan này cho rằng Liên hợp quốc, OSCE, EU và Mỹ cần hối thúc Kiev tuân thủ các nguyên tắc này.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đã ra tuyên bố khẳng định sẽ làm tất cả những gì có thể để những kẻ phạm tội ác tại Ukraine phải chịu trách nhiệm. Ủy ban điều tra Liên bang Nga đã khởi tố vụ án hình sự sát hại 2 nhà báo Nga Igor Kornelyuk và Anton Voloshin tại Lugansk.

Những người biểu tình quá khích tấn công Tổng lãnh sự quán Nga ở thành phố Odessa ngày 16/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Liên quan đến tình hình Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc điện đàm trong ngày 17/6 để thảo luận về khả năng ban bố một lệnh ngừng bắn sau khi phóng viên thứ 2 của Nga bị thiệt mạng ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Putin đã bày tỏ quan ngại về cái chết của hai phóng viên truyền hình Nga và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho các phóng viên tác nghiệp tại Ukraine, đồng thời cho biết Tổng thống Ukraine Poroshenko đã cam kết mở một cuộc điều tra.
Trong một cuộc điện đàm khác diễn ra cùng ngày với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Poroshenko cho rằng để kiểm soát biên giới Ukraine cần có sự hỗ trợ của EU và Mỹ. Kế hoạch hòa bình của ông Poroshenko bao gồm thiết lập một vùng đệm rộng 10 km dọc biên giới, rút các đơn vị vũ trang bất hợp pháp, giải phóng tất cả các trụ sở chính quyền bị chiếm giữ, khôi phục hoạt động của các cơ quan chính quyền và truyền thông địa phương, phi tập trung hóa quyền lực, tổ chức bầu cử quốc hội và chính quyền địa phương sớm. Ông Poroshenko cũng tuyên bố Ukraine sẵn sàng kí thỏa thuận liên kết với EU tại Brussels vào ngày 27/7 tới.

Trong khi đó, lãnh đạo cộng hòa tự xưng Donesk và Lugansk tuyên bố trong tình hình hiện nay, họ không sẵn sàng tiếp xúc với bà Irina Gerashenko - người vừa được bổ nhiệm làm đại diện toàn quyền của Tổng thống Poroshenko về giải quyết cuộc khủng hoảng ở Donesk và Lugansk. Đại diện của chính quyền tự xưng nói trên yêu cầu rút quân đội Ukraine rút khỏi miền đông trước khi có thể đối thoại.


TTXVN/Tin tức