03:08 06/03/2014

Nga - Mỹ lần đầu gặp mặt bàn về Ukraine

Lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hội đàm về vấn đề này vào ngày 5/3.

Lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hội đàm về vấn đề này vào ngày 5/3. Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh phương Tây tăng cường thuyết phục Nga rút lực lượng về căn cứ ở Crưm và tránh gây nguy cơ chiến tranh.

Ngoại trưởng Nga Lavrov ...


Cuộc gặp Kerry - Lavrov được tổ chức sau một hội nghị của 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ở Paris, Pháp. Ngoài ra, Nga và NATO cũng sẽ hội đàm ở Brussels về tình hình Ukraine.


Trước khi cuộc gặp diễn ra, Ngoại trưởng Kerry ngày 4/3 đã cảnh báo rằng Nga sẽ đối mặt các biện pháp trừng phạt nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế nếu không hành động để giảm căng thẳng. Thậm chí, ông Kerry còn cáo buộc Nga đang tìm “cớ” để xâm lược Ukraine sau khi chiếm quyền kiểm soát bán đảo Crưm.


Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định mọi quan điểm của Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin nói rõ trong cuộc họp báo ngày 4/3. Theo ông, tình hình ở Ukraine phải được bình thường hóa phù hợp với quy tắc của thỏa thuận giải quyết khủng hoảng ở Ukraine đã ký ngày 21/2. Ngoài ra, cải cách hiến pháp ở Ukraine phải tính đến lợi ích của mọi khu vực. Ông Lavrov cũng tuyên bố: “Nga sẽ không cho phép xảy ra đổ máu; không cho phép làm tổn hại đến sinh mạng và sức khỏe của những người sống ở Ukraine và công dân Nga ở Ukraine”.

... và người đồng cấp Mỹ John Kerry tới Điện Elysee, Pháp ngày 5/3.


Trong khi đó, bất đồng ngoại giao giữa Mỹ và Nga về Ukraine thêm sâu sắc sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Tổng thống Nga Putin không “lừa được ai” khi phủ nhận các lực lượng Nga đang hoạt động ở Crưm. Ông Obama cho biết Liên minh châu Âu và các đồng minh như Canada và Nhật Bản đều cho rằng Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế khi huy động quân sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất. Mặc dù thừa nhận Nga có lợi ích hợp pháp ở Ukraine nhưng Mỹ cho rằng điều đó không trao cho Nga quyền sử dụng vũ lực là phương tiện để gây ảnh hưởng ở Ukraine.

Trước đó, phản ứng về cáo buộc của chính quyền lâm thời Ukraine cho rằng hàng ngàn quân Nga đã tràn vào Crưm trong những ngày gần đây, ông Putin cho biết đó chỉ là các lực lượng tự vệ địa phương và Nga chỉ dùng vũ lực quân sự khi không còn lựa chọn nào khác.


Ukraine tìm cách hạ nhiệt với Nga


Sau những căng thẳng gần đây, nhiều lãnh đạo Ukraine đã chủ động có những tuyên bố mong làm dịu căng thẳng với Nga. Trong chuyến thăm Pháp ngày 5/3, Ngoại trưởng lâm thời Ukraine Andriy Deshchytsya bày tỏ Ukraine muốn giữ đối thoại, quan hệ tốt với người Nga. Ông nói: “Chúng ta muốn giải quyết cuộc xung đột này một cách hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh với Nga”. Ngoại trưởng Ukraine hy vọng sẽ có một cuộc gặp trực tiếp với Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Pháp.

Ngày 5/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam trước những diễn biến vừa qua tại Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và mong muốn Ukraine sớm ổn định, mọi vấn đề được giải quyết trong khuôn khổ pháp luật, vì lợi ích của nhân dân Ukraine, vì hòa bình, phát triển tại khu vực và trên thế giới. Việt Nam hết sức quan tâm và đề nghị Ukraine có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm ăn tại Ukraine".


Trước đó, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho biết chính phủ của ông đã thực hiện những cuộc tiếp xúc “rụt rè” đầu tiên với lãnh đạo Nga nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cuộc tham vấn với phía Nga chủ yếu liên quan đến tình trạng khoản cho vay 15 tỷ USD mà Tổng thống Putin đã hứa với Tổng thống Ukraine bị phế truất Yanukovych hồi tháng 12/2013. Ukraine đặc biệt muốn một câu trả lời rõ ràng liệu Nga có định giải ngân khoản 2 tỷ USD tiếp theo trong gói 15 tỷ này hay không.


Trong khi đó, nhằm hỗ trợ giải quyết những khó khăn tài chính cho Ukraine, ngày 5/3, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã công bố gói viện trợ "trị giá ít nhất 11 tỷ euro trong 2 năm tới" cho Ukraine. Trước đó một ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết sẽ giúp Kiev thanh toán khoản nợ khí đốt trị giá 2 tỷ USD cho Nga, thậm chí còn có thể cung cấp khí đốt cho Ukraine.


Thùy Dương