10:19 22/10/2014

Nga lấp đầy khoảng trống quân sự tại Bắc Cực

Trước năm 2015, Nga sẽ kiểm soát quân sự trên toàn bộ vành đai 6.200km của nước này ở Bắc Cực. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một năm sau khi Moskva công bố kế hoạch về sự hiện diện quân sự tại đây.

Trước năm 2015, Nga sẽ kiểm soát quân sự trên toàn bộ vành đai 6.200km của nước này ở Bắc Cực. Tuyên bố này được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đưa ra chỉ một năm sau khi Moskva công bố kế hoạch về sự hiện diện quân sự tại đây.

Một chiếc tàu ngầm của Nga.


Trong một cuộc gặp hội đồng quân sự tại thủ đô Moskva, ông Shoigu cho biết Nga đang trong lộ trình tiến vào Bắc Cực. Trước đầu năm sau, Nga sẽ gần như hoàn thành việc triển khai các đơn vị trong khu vực, từ Murmansk cho đến Chukotka. Theo ông Shoigu, Nga đang tiến hành công việc sửa chữa tại nhiều địa điểm cũng như xây dựng các sân bay, cơ sở hậu cần, cấp nước, nhà máy điện mới.

Hạm đội Biển Bắc (Nga) đóng trụ sở ở Severromorsk trên bán đảo Kola, đã được xem là hạt nhân của Bộ Tham mưu chiến lược chung, đồng thời là lực lượng tấn công chính.

Trong năm nay, hai tàu ngầm hạt nhân lớp Borey đóng vai trò là "xương sống" của hạm đội được tân trang, đã được trang bị vũ khí, trong khi chiếc thứ ba đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm. Tổng cộng, có tám chiếc tàu ngầm lớp Borey dự kiến sẽ được lắp ráp. Tuy nhiên cũng có khả năng một vài trong số đó sẽ được bố trí lại trong hạm đội Thái Bình Dương của nước này.

Nga cũng đang trong quá trình đưa vào sử dụng lại ít nhất 7 đường băng đã bị đóng cửa sau sự sụp đổ của Liên Xô, trong đó đường băng Tiksi ở Yakutia sẽ là nơi tập trung phần lớn của không lực Bắc Cực.

Sân bay ở làng Tiksi tại Sakha-Yakutia. Ảnh: RIA Novosti


Hoạt động đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Nga cũng diễn ra tại một căn cứ thường xuyên của Nga ở đảo New Siberia trên biển Laptev trong tháng 9. Một nhóm quân đội gồm hai lữ đoàn sẽ đồn trú ở vùng viễn Bắc với vai trò là một bộ phận quân sự mới.

Trước những quan ngại về những tác động đối với môi trường, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Shoigu cho biết quân đội sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc bảo vệ môi trường đặc trưng của Bắc Cực. Ông cũng cho hay các đơn vị này đã tham gia vào một chương trình dọp dẹp rác thải đã “chất đống trong hàng thế kỉ” qua tại đây.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Moskva cho biết dự định thiết lập một lực lượng đặc biệt tại khu vực chiến lược Bắc Cực, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga cần kích hoạt “tất cả các đòn bẩy để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia” tại “khu vực đầy hứa hẹn” này.

Trong thập kỉ qua, Bắc Cực đã thu hút sự quan tâm của các cường quốc có đường biên giới tiếp giáp với khu vực này. Lí do quan trọng nhất là vì nơi đây được cho có đến 30% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của thế giới. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ tạo ra tiền đề cho việc ngày càng có nhiều loại hydrocarbon (nguồn năng lượng chính của thế giới) có thể được khai thác để sử dụng.

Ngoài ra, với đường biển trải dài, khu vực Bắc Cực cũng giúp hình thành những tuyến đường vận chuyển hàng hóa giữa các châu lục như châu Á, châu Mỹ và châu Âu.


Anh Tiếu
(Theo RT)