10:18 13/10/2019

Nga khẳng định Moskva có thể đóng vai trò then chốt tại Trung Đông

Ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moskva có thể đóng vai trò then chốt tại khu vực Trung Đông do có mối quan hệ tốt với Iran lẫn thế giới Arab.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ở Ashgabat, Turkmenistan, ngày 11/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia trước thềm chuyến thăm đầu tiên tới vương quốc Hồi giáo này trong hơn một thập kỷ, Tổng thống Putin nêu rõ cả Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều không muốn đối đầu với Iran. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định chính ông cũng có mối quan hệ cá nhân hữu hảo với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Phía Nga đang cân nhắc các khoản đầu tư mới tại vương quốc Hồi giáo này, theo đó, công ty Sibur Holding của Nga đang xem xét xây dựng một tổ hợp hóa dầu tại Saudi Arabia với khoản đầu tư trị giá hơn 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nga cũng đang thảo luận về việc thiết lập khu vực thương mại tự do với Israel và Ai Cập, tương như thỏa thuận của Moskva với Tehran.

Liên quan vấn đề Iran, Tổng thống Putin cho rằng chương trình tên lửa của nước Cộng hòa Hồi giáo nên được giải quyết tách bạch với chương trình hạt nhân của Tehran. Ông cũng nhấn mạnh hiện chưa có thông tin đáng tin cậy về thủ phạm đứng sau vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Aramco vào tháng trước, do đó ông tin rằng thật không công bằng khi cáo buộc Iran đứng sau vụ việc.

Ngày 14/9 vừa qua, các cơ sở lọc dầu của công ty dầu khí Saudi Aramco tại Abqaia và Khurais đã bị máy bay không người lái tấn công. Vụ việc đã khiến sản lượng dầu của Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới.

Dù phiến quân Houthi ở Yemen, lực lượng đối đầu trực tiếp với liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp vào Yemen, nhận thực hiện các vụ tấn công trên, nhưng Saudi Arabia và các nước phương Tây liên tục cáo buộc Iran là chủ mưu. Chính quyền Tehran đã cực lực bác bỏ điều này.

Trong lĩnh vực dầu mỏ, ông Putin cho rằng lượng dầu mỏ toàn cầu cần được cắt giảm xuống mức phù hợp, đồng thời nhận định các vụ tấn công trong những tháng vừa qua nhằm vào tàu chở dầu tại vùng Vịnh và các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia sẽ giúp tăng cường sự hợp tác giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các nhà sản xuất dầu mỏ khác. Ông khẳng định sẽ hợp tác với Saudi Arabia và các đối tác khác để chặn đứng âm mưu gây bất ổn thị trường dầu mỏ.

Về tình hình Syria, Tổng thống Putin nêu rõ bất cứ hiến pháp mới nào tại quốc gia Trung Đông này cũng cần phải đảm bảo quyền lợi cho tất cả các nhóm tôn giáo và sắc tộc. Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng tin rằng Saudi Arabia đóng vai trò trong thúc đẩy tiến bộ hướng tới thỏa thuận chính trị tại Syria.

Riêng về xung đột Israel-Palestine, ông bày tỏ tin tưởng vào giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết vấn đề này, đồng thời đánh giá "thỏa thuận thế kỷ" của Mỹ là không rõ ràng.

Trước đó, Mỹ đã xây dựng kế hoạch hòa bình Trung Đông trong hơn 2 năm qua, do Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner và Đặc phái viên Jason Greenblatt soạn thảo. Kế hoạch gồm hai phần là kinh tế và chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Tuy nhiên, đến nay chính quyền Palestine vẫn không chấp nhận kế hoạch này, do cho rằng nó "thiên vị" Israel.

Đặng Ánh (TTXVN)