10:15 24/10/2012

Nga khai thác mỏ khí đốt lớn ở Bắc Cực sau 40 năm chờ đợi

Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) ngày 23/10 đã bắt đầu tiến hành khai thác khí đốt tại mỏ Bovanenkovo nằm trên bán đảo Yamal, một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới được phát hiện từ 40 năm trước ở vùng Bắc Cực lạnh giá.

Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) ngày 23/10 đã bắt đầu tiến hành khai thác khí đốt tại mỏ Bovanenkovo nằm trên bán đảo Yamal, một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới được phát hiện từ 40 năm trước ở vùng Bắc Cực lạnh giá.

Từ Moscow (Mátxcơva), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức ấn nút khởi động qua hệ thống việc khai thác mỏ khí đốt ở Bắc Cực phục vụ mục đích thương mại. Theo ước tính của Gazprom, mỏ Bovanenkovo có trữ lượng 4.900 tỷ m3 (177.000 tỷ phút khối) khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, mỏ này nằm ở dưới tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu và lâu nay vẫn cách xa hệ thống ống dẫn khí, thậm chí cả hệ thống giao thông cơ bản nhất.



Mỏ khí đốt Bovanenkovo đứng thứ hai về quy mô ở Nga. Nguồn: Internet.



Mỏ khí này đứng thứ hai về quy mô ở Nga, chỉ sau mỏ Urengoi của Gazprom, và là một phần trong dự án ở Bắc Cực mà Gazprom đang đặt nhiều niềm tin, trong bối cảnh các mỏ cũ đang dần cạn kiệt.

Tổng thống Putin cho hay mỏ khí đốt này sẽ cho sản lượng 115 tỷ m3 (4.060 tỷ phút khối) khí đốt vào năm 2017 và sẽ dần tăng lên xấp xỉ 140 tỷ m3, gần tương đương lượng khí đốt xuất sang châu Âu. Xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang châu Âu năm 2011 giảm và nhìn chung chững lại trong những năm gần đây do nhu cầu toàn cầu dịu lại.

Giám đốc điều hành Gazprom, Alexei Miller, cho hay công ty dự định khai thác gần 150 giếng dầu khí trong năm nay và những giếng dầu này đều kết nối với đường ống dẫn ở châu Âu, thay thế cho nguồn cung từ dự án mỏ Shtokman ở Biển Baranh gần đây bị tạm ngưng hoạt động. Tổng thống Putin cho biết Nga dự định tạo lập một tỉnh dầu mỏ và khí đốt ở Yamal.

Nga hiện cung cấp khoảng 30% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tìm các nguồn năng lượng thay thế khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. EU cũng tiến hành cuộc điều tra về ấn định giá năng lượng đối với các chi nhánh và đối tác của Gazprom ở Trung và Đông Âu.



TTXVN/ Tin Tức