08:17 06/08/2021

Nga gửi thông điệp gì qua các vụ bắn hạ tên lửa Israel ở Syria?

Ba thông báo của Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 20, 22 và 25/7 về việc bắn hạ thành công tên lửa Israel trên không phận Syria đã gây ra cuộc tranh cãi nóng bỏng giữa các nhà quan sát Trung Đông và phương Tây.

Tranh cãi của các nhà quan sát

Theo đài Sputnik, ngày 29/7, tờ The Times of Israel bình luận về việc tên lửa Israel bị bắn hạ ở Syria, nói rằng không có lý gì phải hoảng sợ và Nga có thể đang “thử” chính quyền mới của ông Naftali Bennett, người nắm quyền thủ tướng từ ngày 13/6.

Chú thích ảnh
Hệ thống Buk-M2E của Nga. Ảnh: Sputnik

Tuy nhiên, tờ Israel Hayom cảnh báo rằng Nga có thể sẽ sớm “chặt cánh của Israel” ở Syria. Tờ báo này cho rằng sự thay đổi trên là do chính quyền mới của ông Bennett bị nhìn nhận là yếu đuối, thiếu kinh nghiệm, thiếu chiều sâu trí tuệ, khác với chính quyền tiền nhiệm của ông Benjamin Netanyahu.

Về phần mình, tạp chí Forbes của Mỹ giả định rằng các thông báo của Bộ Quốc phòng Nga gần đây có thể là tín hiệu không chỉ gửi tới chính phủ của Thủ tướng Bennett mà còn gửi tới cả chính quyền của ông Joe Biden. Mục đích là đàm phán các điều khoản mới và rõ hơn để giảm xung đột ở Syria.

Theo ông Mark Sleboda, nhà phân tích an ninh và vấn đề quốc tế người Mỹ, hãng thông tấn đầu tiên báo động về sự thay đổi của Nga là tờ Asharq Al-Awsat của Saudi Arabia có trụ sở ở London. Trích dẫn nguồn tin quan chức Nga giấu tên, tờ Asharq Al-Awsat đã đưa ra một số nhận định về chính sách của Nga, Mỹ và Israel chưa được các bên xác minh hay kiểm chứng.

Tờ báo này cho rằng Nga đã tăng cường cho lực lượng phòng không Syria và cung cấp thiết bị mới cho lực lượng chính phủ Syria. Ông Sleboda cho rằng thay đổi rõ ràng này diễn ra sau khi cơ chế giảm xung đột giữa Nga và Israel đã bị ngừng khi ông Bennett nắm quyền thay ông Netanyahu. 

Ông nói: “Trước đó, quân đội Nga thường được thông báo trước về các vụ tấn công của Israel để đảm bảo binh sĩ Nga không ở khu vực nguy hiểm, mặc dù Israel Bộ Quốc phòng Nga thường phàn nàn về việc Israel gửi thông báo trước có vài phút”.

Video Israel không kích gần Homs, Syria (nguồn: ynetnews):

Do đó, khi Nga không nhận được thông báo nữa, ông Sleboda không loại trừ khả năng Nga có thể đã tăng cường hỗ trợ phòng không cho Syria chống lại Israel nhằm gây áp lực với chính phủ mới của Israel để khôi phục cơ chế giảm xung đột đã đổ vỡ này, và thiết lập quy tắc mới nghiêm ngặt hơn với chính phủ Israel về các cuộc tấn công mà nước này thực hiện nhằm vào Syria.

Nga từ lâu đã chỉ trích Israel không kích vào Syria. Ngày 8/7, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Israel ngừng tấn công Syria. Về phần mình, Israel cho biết họ nhằm vào vị trí của phong trào Hồi giáo Hezbollah và các cơ sở của Iran tại Syria.

Trong khi đó, ông Sleboda loại trừ khả năng Nga gửi thông điệp cảnh cáo tới các lực lượng Mỹ ở Syria. Ông nhấn mạnh: “Quân đội Nga nỗ lực để giảm xung đột trong hoạt động quân sự với Mỹ và tránh đối đầu quân sự có thể gây ra xung đột trực tiếp giữa hai nước. Trừ khi lực lượng Mỹ trực tiếp tấn công căn cứ quân sự Nga ở Syria, nếu không, khó có tình huống Nga nhằm vào tên lửa hay máy bay của Mỹ”.

Phản ứng của Nga với các vụ tấn công của Israel tại Syria

Về ý nghĩa của các thông báo mà Bộ Quốc phòng Nga đưa ra về việc bắn hạ tên lửa Israel, các nhà phân tích cho rằng từ trước tới nay, Nga không bao giờ bình luận về thông báo của Syria liên quan đánh bật các vụ tấn công của Israel. Dưới thời ông Netanyahu, quân đội Nga có chính sách không liên quan tới hành động của Israel ở Syria và kiềm chế hành động để tránh xung đột.

Tuy nhiên, ngày 20/7, Thiếu tướng Nga Vadim Kulit, Chỉ huy Trung tâm Hòa giải Quân sự Nga tại Syria thông báo rằng bốn máy bay chiến đấu F-17 của Israel đã bắn 8 quả tên lửa dẫn đường vào các mục tiêu ở tỉnh Aleppo, Syria. Trong đó, 7 quả tên lửa bị phòng không Syria dùng hệ thống Pantsir và Buk-M2E của Nga bắn hạ.

Chú thích ảnh
Một chiếc F-16 của Israel. Ảnh: AP

Ngày 22/7, hai máy bay F-16 của Israel phóng 4 tên lửa dẫn đường từ không phận Liban vào các mục tiêu ở tỉnh Homs của Syria. Tất cả đều bị Buk-M2E chặn. 

Ngày 25/7, hai chiếc F-16 phóng hai tên lửa dẫn đường trên không vào các cơ sở tại khu định cư Seidat-Zeinab và bị Buk-M2E bắn hạ.

Hệ thống Buk-M2E dường như lần đầu được dùng để chống tên lửa Israel. Tờ Breaking Defence còn cho biết hệ thống này do nhân sự Nga vận hành. 

Theo ông Sleboda, nếu Nga tiếp tục tích cực hỗ trợ phòng không Syria cản các cuộc tấn công của Israel, điều này sẽ buộc Israel sử dụng vũ khí mạnh hơn để tấn công từ vị trí xa hơn, gây tốn kém hơn cho Israel.

Dù vậy, ông Sleboda nhận định Nga sẽ không gia tăng rủi ro trong khu vực vì chiến lược của Nga hiện tại dường như tập trung vào củng cố, tái thiết và phát triển Syria. Nga có thể sẽ tiếp tục có động thái để khiến các lực lượng nước ngoài hoạt động mà không được chính phủ Syria cho phép phải tốn kém chi phí nhiều hơn.

Về lâu dài, hoạt động quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ trở nên khó chấp nhận về mặt kinh tế và chính trị.

Thùy Dương/Báo Tin tức