07:12 02/07/2022

Nga gia tăng lợi thế trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây

Moskva đã giành quyền kiểm soát dự án khí đốt Sakhalin-2, dự án chiếm 4% nguồn cung LNG hàng năm trên toàn cầu với khách hàng chính là Nhật Bản và một số nước châu Á.

Chú thích ảnh
Các quan chức Nga, Hà Lan, Anh, Nhật Bản tại lễ khởi công nhà máy LNG đầu tiên của Nga ở thị trấn Prigorodnoye, Nam Sakhalin, Viễn Đông, Nga, ngày 18/2/2009. Ảnh: EPA

Nga đã gia tăng lợi thế trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây và các đồng minh bằng sắc lệnh giành toàn quyền kiểm soát dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng viễn đông của Nga, một động thái có thể khiến tập đoàn dầu khí Shell (Anh) và các nhà đầu tư Nhật Bản bị loại khỏi dự án.

Lệnh trên được ký vào hôm 30/6, cho phép thành lập một công ty mới tiếp quản mọi quyền và nghĩa vụ của Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin, trong đó Shell và hai công ty thương mại Nhật Bản Mitsui và Mitsubishi chỉ nắm giữ dưới 50%.

Sắc lệnh dài 5 trang, được đưa ra sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moskva vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, cho thấy Điện Kremlin giờ sẽ quyết định liệu các đối tác nước ngoài có thể ở lại trong các dự án chung hay không.

Tập đoàn năng lượng Gazprom do nhà nước Nga điều hành đã có hơn 50% cổ phần trong Sakhalin-2 - dự án vốn chiếm khoảng 4% sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới.

Động thái này có nguy cơ gây xáo trộn thị trường LNG vốn đã eo hẹp, mặc dù Moskva cho biết không có lý do gì để việc giao hàng từ Sakhalin-2 bị dừng lại. Nhật Bản nhập khẩu 10% LNG mỗi năm từ Nga, chủ yếu theo hợp đồng dài hạn từ Sakhalin-2. Hành động này cũng làm tăng nguy cơ mà các công ty phương Tây vẫn đang ở Nga phải đối mặt.

Lucy Cullen, một nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết: “Sắc lệnh của Nga trưng thu một cách hiệu quả các cổ phần nước ngoài trong Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin, đánh dấu sự leo thang hơn nữa trong căng thẳng đang diễn ra”.

Nhiều công ty phương Tây đã ngừng hoạt động, trong khi những công ty khác nói rằng họ sẽ rút khỏi Nga, nhưng động thái của Moskva có thể làm phức tạp thêm một quy trình vốn đã phức tạp cho những công ty đang tìm kiếm cách thức để rút lui. Nga cũng đã chuẩn bị một đạo luật, dự kiến ​​sẽ sớm được thông qua, cho phép nhà nước thu giữ tài sản của các công ty phương Tây quyết định rời đi.

Shell, cách đây vài tháng đã tuyên bố có ý định từ bỏ Sakhalin-2 và đang đàm phán với những người mua tiềm năng, cho biết họ đang đánh giá về sắc lệnh mới của Nga.

Các nguồn tin cho biết Shell tin rằng có nguy cơ Nga sẽ quốc hữu hóa các tài sản do nước ngoài nắm giữ, trong khi ông Putin nhiều lần cảnh báo Moskva sẽ trả đũa Mỹ và các đồng minh vì đóng băng tài sản của Nga và các lệnh trừng phạt khác.

Trong khi đó, các công ty Nhật Bản vẫn chưa công bố ý định rời khỏi dự án. Trên thực tế, vào đầu năm nay, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Koichi Hagiuda, nói rằng các dự án Sakhalin-1 và Sakhalin-2 “về cơ bản là quan trọng đối với an ninh năng lượng vì các dự án cho phép Nhật Bản mua nguồn cung cấp thấp hơn giá thị trường, đặc biệt trong bối cảnh giá năng lượng cao như hiện nay ”.

Bất chấp việc tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, Nhật Bản vẫn tiếp tục mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Sakhalin-2. Mặc dù họ đã tuyên bố ý định đẩy mạnh việc tiếp nhận từ các nguồn thay thế, nhưng việc ngừng hoàn toàn nhập khẩu năng lượng của Nga dường như không thể xảy ra vào thời điểm này.

Nhật Bản cũng đã báo hiệu rằng họ không có ý định rời bỏ các dự án năng lượng ở Nga mà họ tham gia, nhưng theo những tin tức mới nhất, họ có thể buộc phải làm như vậy.

Sakhalin-2, trong đó Shell có gần 27,5% cổ phần, là một trong những dự án LNG lớn nhất thế giới. Sản phẩm của nó chủ yếu đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euractiv.com/Reuters)