07:10 14/07/2014

Nga, Đức: Tình hình Ukraine đang xấu đi

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhất trí cần sớm khởi động đàm phán trực tuyến giữa chính quyền Ukraine và lực lượng biểu tình có vũ trang.

Ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí cần sớm khởi động đàm phán trực tuyến giữa chính quyền Ukraine và lực lượng biểu tình có vũ trang.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về tình hình Ukraine ngày 13/7. Ảnh: AFP-TTXVN


Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seiberg thông báo, lãnh đạo Nga và Đức đã gặp gỡ tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil khi đến dự khán trận chung kết Cúp bóng đá Thế giới World Cup 2014 và lễ chuyển giao quyền tổ chức World Cup 2018 cho Nga, trong đó hai bên nêu rõ điều kiện quan trọng để có thể đạt được lệnh bắn song phương tại miền Đông Ukraine là tổ chức kiểm soát chặt chẽ biên giới Nga-Ukraine và trao đổi tù binh.

Về phần mình, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết ông Putin đã bày tỏ đặc biệt lo ngại trước những hành động quân sự tiếp tục leo thang từ phía quân đội Ukraine, trong đó nguyên thủ Nga gọi hệ quả vụ đạn pháo Ukraine rơi trúng lãnh thổ Nga ngày 13/7 là không thể chấp nhận.

Trên cơ sở các thảo luận, lãnh đạo Nga và Đức đã nhất trí rằng tình hình hiện nay tại Ukraine đang xấu đi một cách đáng tiếc. Ông Putin và bà Merkel cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương nối lại hoạt động của nhóm tiếp xúc, có thể là họp trực tuyến.

Ukraine bác bỏ pháo kích lãnh thổ Nga

Ngay sau vụ việc đạn pháo của quân đội Ukraine rơi sang lãnh thổ tỉnh Rostov của Nga làm một công dân Nga thiệt mạng và hai người khác bị thương, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại biện lâm thời ngoại giao Ukraine tại Nga đến để bày tỏ sự phản đối kiên quyết của Moskva.

Công hàm nêu rõ Nga xem hành động khiêu khích trên là vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và xâm hại đến công dân Nga. Nga một lần nữa yêu cầu Ukraine thi hành ngay các biện pháp kiên quyết để ngăn chặn những hành vi khiêu khích trên.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cùng ngày đã ra tuyên bố không nhận trách nhiệm về vụ bắn phá, và khẳng định đã, đang và sẽ không bắn pháo sang lãnh thổ nước láng giềng.

Binh sĩ Ukraine tuần tra tại thành phố miền đông Seversk ngày 12/7. Ảnh: AFP-TTXVN


* Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron ngày 13/7 qua điện đàm đã nhấn mạnh Nga cần đưa ra ngay những biện pháp nhằm hỗ trợ giải giáp tình hình căng thẳng tại Ukraine. Theo quan điểm của lãnh đạo Mỹ và Anh, những biện pháp đó bao gồm ngăn chặn các hành động tiếp tay cho lực lượng biểu tình có vũ trang tại miền Đông Ukraine, thiết lập cơ chế giám sát biên giới hiệu quả của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), xây dựng lộ trình cho các cuộc đàm phán trong khuôn khổ nhóm tiếp xúc và trả tự do cho tất cả các con tin.

Ngoài ra, trên cơ sở cho rằng Nga có ảnh hưởng trong cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine, ông Obama và Cameron cũng nhất trí châu Âu và Mỹ nên tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga nếu Moskva không đạt bước tiến trong quá trình hạ nhiệt xung đột tại quốc gia láng giềng.

Về diễn biến mới nhất tại miền Đông Ukraine, chiến sự vẫn tiếp tục leo thang tại Donetsk và Lugansk sau khi Tổng thống nước này Petro Poroshenko ngày 10/7 cam kết sẽ kiềm chế hành động quân sự. Từ ngày 13/7, quân đội Ukraine dùng xe tăng tấn công vào tỉnh Lugansk và bị lực lượng dân phòng đáp trả bằng pháo binh, thậm chí bằng máy bay tiêm kích SU-25 cướp được của quân đội trước đó.

Theo nguồn tin của ITAR-TASS từ CH nhân dân tự xưng Lugansk, trong lần cất cánh đầu tiên chống lại quân đội, chiếc SU-25 trên đã tiêu diệt 6 xe tăng và 1 xe bọc thép của lực lượng vũ trang Ukraine. Cho đến đêm 13/7, lực lượng dân phòng Lugansk tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát sân bay tại đây.


TTXVN/Tin tức