05:09 05/05/2012

Nga dọa tấn công phủ đầu lá chắn tên lửa của Mỹ

Ngày 3/5, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Tướng Nikolai Makarov tuyên bố rằng Mátxcơva có thể tấn công quân sự phủ đầu vào hệ thống phòng thủ tên lửa trong tương lai của NATO tại châu Âu để bảo vệ an ninh của mình.

Ngày 3/5, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Tướng Nikolai Makarov tuyên bố rằng Mátxcơva có thể tấn công quân sự phủ đầu vào hệ thống phòng thủ tên lửa trong tương lai của NATO tại châu Âu để bảo vệ an ninh của mình. Đây là lời cảnh báo rất quả quyết chống lại hệ thống lá chắn tên lửa mà Nga coi là mối đe dọa đối với họ.


 

Tên lửa Topol, một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Nga cho rằng phương Tây có thể tấn công nhằm làm suy yếu khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân của nước này.

 

Tuyên bố của Tướng Makarov đã thể hiện rõ sự phản đối của Nga chống lại lá chắn tên lửa mà Mỹ và NATO đang nỗ lực xây dựng. Đây sẽ là vấn đề tiếp tục khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng ngay sau khi ông Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống 6 năm vào ngày 7/5.


Ông Makarov đưa ra tuyên bố nói trên trong hội nghị quốc tế về các vấn đề phòng thủ tên lửa do Bộ Quốc phòng Nga chủ trì tại Mátxcơva. Tại đây đã diễn ra các cuộc trao đổi vô cùng căng thẳng giữa nước chủ nhà Nga cùng các quan chức Mỹ và NATO. Điều này cho thấy các cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn nhiều khoảng cách cần vượt qua để đạt được một thỏa thuận hợp tác về vấn đề phòng thủ tên lửa mà cả hai bên đều tuyên bố muốn đạt được.


Hệ thống phòng thủ tên lửa này, bao gồm cả các tên lửa đánh chặn, được đặt ở Ba Lan và Rumani, dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2020 theo 4 giai đoạn. Oasinhtơn tuyên bố rằng hệ thống này nhằm mục đích chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ Iran và không hề gây nguy hại tới Nga. Tuy nhiên, Mátxcơva hoài nghi về mục đích của hệ thống này và cho rằng phương Tây sẽ có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Nga trong vài năm tới, làm suy yếu khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân của Nga.


Tướng Makarov đã nhắc lại lời đe dọa của Điện Kremlin rằng Nga sẽ triển khai thêm tên lửa ở khu vực phía nam và tây bắc nước Nga để chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thực hiện các cuộc tấn công chống lại việc lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO, đồng thời tuyên bố Mátxcơva có thể tấn công phủ đầu nếu thấy cần thiết. Ông phát biểu tại hội nghị: "Quyết định sử dụng các đòn tấn công phủ đầu sẽ được đưa ra trong trường hợp căng thẳng leo thang". Ông Makarov cho biết, việc triển khai những vũ khí như vậy chứ chưa kể tới việc sử dụng chúng để tấn công lá chắn tên lửa sẽ là "một biện pháp cực đoan" mà Nga hy vọng không phải dùng đến. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng đây vẫn chỉ là một lựa chọn nếu xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh.


Tướng Makarov nói rằng, các nước châu Âu nên quyết định xem liệu có đáng để hành động như vậy nhằm chống lại mối đe dọa trong tương lai đến từ các quốc gia như Iran, để rồi phải đối mặt với những vũ khí của Nga, những thứ có khả năng tạo ra "mối đe dọa thực sự" cho họ, hay không. Tuyên bố này của ông được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra tại Chicago (Mỹ) vào ngày 20 - 21/5. Hội nghị này sẽ tuyên bố giai đoạn đầu tiên của việc xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa và chính thức khởi động chương trình này.


Mặc cho Nga phản đối lá chắn tên lửa, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố rằng liên minh này hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với Mátxcơva về vấn đề phòng phủ tên lửa. Ông cho rằng một thỏa thuận như vậy chưa thể đạt được trước khi diễn ra Hội nghị Thượng định NATO - mục tiêu mà nhiều quan chức phương Tây từng đề ra trước đây, và NATO sẽ tiếp tục đối thoại với Nga sau hội nghị này.


Năm 2010, Nga và NATO đã tìm cách cùng nhau hợp tác về vấn đề phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không đưa đến một thỏa thuận nào. Điện Kremlin muốn có một sự bảo đảm ràng buộc về mặt pháp lý rằng hệ thống này sẽ không được sử dụng để chống lại Nga. Phía Mỹ lại nói rằng họ không thể đồng ý với bất kỳ hạn chế chính thức nào đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của họ.

 

TTK