07:05 23/07/2011

Nga đẩy mạnh phát triển vùng Viễn Đông

Viện Jamestown Foundation (Mỹ) 20/7 cho hay, chính phủ Nga vừa nhắc lại cam kết nhiều tỷ rúp từ ngân sách chính phủ để phát triển khu vực Viễn Đông, nhằm mở cửa ngõ tiến vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển kinh tế bùng nổ.

Viện Jamestown Foundation (Mỹ) 20/7 cho hay, chính phủ Nga vừa nhắc lại cam kết nhiều tỷ rúp từ ngân sách chính phủ để phát triển khu vực Viễn Đông, nhằm mở cửa ngõ tiến vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển kinh tế bùng nổ.

Mátxcơva sẽ nhấn mạnh chính sách trên khi Nga chủ trì hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Vladivostok vào năm tới. Chính phủ Nga cho biết các nghiên cứu chính sách là động lực thúc đẩy các kế hoạch của hội nghị thượng đỉnh APEC. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói: “Hội nghị thượng đỉnh APEC trong năm tới rất quan trọng cho đất nước chúng tôi về mặt ngoại giao, bởi vì sự kiện đó sẽ công nhận tầm quan trọng của Nga trong tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương”. Nhưng ông Medvedev tỏ ý lo ngại khi các dự án xây dựng chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh APEC, trong đó có sân bay quốc tế Knevichi và chiếc cầu Zolotoy Rog, tiến triển chậm so với dự kiến ban đầu.

Năm 2007, Nga cam kết chi gần 4 tỷ USD trong ngân sách chính phủ để xây dựng khu nghỉ dưỡng trên đảo Russky ở ngoài khơi bến cảng Vladivostok để tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC 2012. Chính phủ dự kiến chi 1,1 tỷ USD để xây dựng 2 chiếc cầu mới, 719 triệu USD nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, 432 triệu USD hiện đại hóa bến cảng Vladivostok, 360 triệu USD xây dựng một sân bay mới và 144 triệu USD để di chuyển các căn cứ quân sự khỏi đảo Russky. Hiện nay, Điện Kremlin đang tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các khu vực Viễn Đông. Năm 2007, chính phủ liên bang cam kết chi 21,6 tỷ USD để cung cấp cho các dự án phát triển tại khu vực Đông Siberia và Viễn Đông trong năm 2013, tiếp đó chi 324 tỷ USD trong năm 2025.

Theo các nhà chức trách Nga, hiện tất cả các kế hoạch trên đang được triển khai thực hiện. Phát biểu trước hội nghị các quan chức cấp cao được tổ chức trên đảo Russky ngày 30/6, Tổng thống Medvedev yêu cầu các cơ quan chức năng và các tập đoàn dầu lửa và khí đốt do nhà nước quản lý bắt đầu cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí đốt mới chạy từ Sakhalin đến Khabarovsk và Vladivostok trong hai tuần.

Các quan chức Nga cũng tiết lộ các kế hoạch tăng GDP của khu vực gấp 12 lần vào năm 2020 bằng cách xây dựng 4 nhà máy lọc dầu và hóa dầu, 4 nhà máy hóa chất khí đốt, 1 nhà máy sản xuất thép có công suất 10 triệu tấn/năm tại Yakutiya, các nhà máy sản xuất nhôm và 1 nhà máy điện hạt nhân. Phát triển hệ thống khí đốt và các đường ống dẫn khí đốt mới ở Viễn Đông là các chương trình nằm trong nhiều dự án ưu tiên của tập đoàn dầu khí Gazprom. Tập đoàn dầu khí Rosneft do nhà nước quản lý dự kiến xây dựng giai đoạn một của nhà máy lọc dầu ở khu vực phía đông Primorye, gần Yelizarov, với công suất 10 triệu tấn/năm vào năm 2012, nhưng dự án này đang bị chậm so với dự kiến ban đầu. Vùng Viễn Đông Nga có 13 khu vực chiếm hơn 40% lãnh thổ của Nga và chứa nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, bao gồm tất cả các mỏ kim cương của Nga, 2/3 các mỏ vàng, khí tự nhiên, gỗ và nghề cá.

Cam kết phát triển khu vực Viễn Đông mới nhất của Tổng thống Medvedev được đưa ra qua các tuyên bố mục tiêu chính sách châu Á đầy tham vọng tại hội nghị thượng đỉnh Axtana (Cadắcxtan) ngày 15/6 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trợ lý chính sách đối ngoại Sergei Prikhodko của Tổng thống Medvedev khẳng định: “Chúng tôi không coi các nỗ lực kinh tế của Trung Quốc, kể cả các khoản cho vay ưu đãi, là sự cạnh tranh trong khu vực”. Mátxcơva cũng muốn thúc đẩy ảnh hưởng quốc tế của SCO. Tổng thống Medvedev cho biết SCO vẫn là một tổ chức để ngỏ chứ không phải một “câu lạc bộ của các nước giàu”. Ông Medvedev kêu gọi các nước thành viên phối hợp lực lượng để giúp ổn định khu vực Trung Á, nhất là tại Ápganixtan. Trong những năm qua, SCO đã mở rộng chương trình quan hệ đối tác của tổ chức này. Hiện nay Iran, Ấn Độ, Mông Cổ và Pakixtan là các đối tác, còn Bêlarút và Xri Lanca là các đối tác đối thoại của SCO.

Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ)