03:14 13/03/2014

Nga công khai biện pháp đối phó nếu Mỹ trừng phạt kinh tế

Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Aleksey Uliukaev tin tưởng rằng Nga sẽ tăng các hợp đồng ngoại thương giao dịch bằng đồng rúp nếu Mỹ áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Aleksey Uliukaev tin tưởng rằng Nga sẽ tăng các hợp đồng ngoại thương giao dịch bằng đồng rúp nếu Mỹ áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ngày 12/3, phát biểu trên truyền hình Nga, Bộ trưởng Uliukaev đánh giá các án phạt, nếu có của Mỹ, cũng sẽ chỉ là những biện pháp của riêng nước này, liên quan đến các thanh toán quốc tế, hệ thống quan hệ thương mại. Nga sẽ xây dựng các biện pháp mới nhằm đối phó với tình huống, cụ thể như tăng tỷ lệ thương mại giao dịch bằng đồng nội tệ là đồng ruble. Ông nhấn mạnh, trong các lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu như năng lượng, dầu mỏ, khí đốt v.v., thì việc chọn đồng nội tệ làm đồng tiền giao dịch sẽ bảo vệ cả hai bên tham gia hợp đồng trước bất kỳ các án phạt nào.

Phó Thủ tướng Nga Arkadi Dvorkovych. Ảnh: RIA Novosti


Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Arkadi Dvorkovych tuyên bố Nga dự định xây dựng một chính sách kinh tế hướng tới giảm thiểu các phụ thuộc vào rủi ro chính trị. Ông phân tích án phạt kinh tế có thể đến từ hai phía và cũng thường ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai nước, do đó trong tình hình hiện nay Nga đánh giá biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sẽ là rủi ro vô cùng to lớn đối với bên đưa ra.

Theo lời Phó Thủ tướng Nga, ảnh hưởng của án phạt đến nền kinh tế nước này không lớn hơn ảnh hưởng của các biến động kinh tế thế giới. Và trong mọi tình huống, Nga dự định sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực đó. Cũng theo lời Phó Thủ tướng Nga, nhờ thực thi chính sách đa phương trong quan hệ đối tác những năm gần đây, Nga có thể tin tưởng vào một triển vọng ổn định trong lĩnh vực kinh tế.

Hiện cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang đe dọa áp dụng các biện phát trừng phạt kinh tế với Nga liên quan tới tình hình Ukraine. Tuy nhiên, hiện kim ngạch thương mại Nga - Mỹ chiếm tỷ trọng không lớn trong nền kinh tế Nga, chỉ đạt 30 tỷ USD trong năm 2013, và phía Nga chưa bao giờ coi Mỹ là đối tác thương mại chính của mình.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng với Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk nhằm thể hiện sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Obama tuyên bố Washington ủng hộ Ukraine, đồng thời cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin về “giá đắt phải trả” cho việc ủng hộ chính quyền tự trị Crimea (Crưm). Về phần mình, ông Yatseniuk nhấn mạnh Ukraine "đang và sẽ là một phần của thế giới phương Tây", song mặt khác Ukraine cũng muốn là một người bạn tốt của Nga.

Trước cuộc gặp với ông Obama, Thủ tướng tạm quyền Ukraine cũng đã có cuộc làm việc với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, gặp gỡ các nghị sỹ Mỹ, lãnh đạo Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Theo kế hoạch, ngày 13/3, ông Yatseniuk có mặt tại New York và có bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cùng ngày, Ngoại trưởng John Kerry thông báo kế hoạch tới London (Anh) để gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào ngày 14/3 trong nỗ lực tìm cách tháo ngòi căng thẳng trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về quy chế của khu tự trị Crimea.

Cũng trong ngày 12/3, Ủy ban Đối ngoại Thượng vịên Mỹ với 14 phiếu thuận và 3 phiếu chống đã thông qua dự luật áp đặt hạn chế ra vào Mỹ và phong tỏa tài sản của những quan chức Nga mà Mỹ cho là có dính líu tới vấn đề Ukraine. Dự luật cũng bao gồm khoản bảo lãnh tín dụng 1 tỷ USD cho Ukraine tại IMF. Tuy nhiên, dự luật còn phải được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện và Hạ viện.

Theo giới phân tích, mặc dù dự luật đã được dễ dàng thông qua tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện song sẽ gặp không ít rào cản tại lưỡng viện Quốc hội. Nguyên nhân có thể do IMF sẽ nhân đây lồng thêm yêu cầu Washington phải chấp nhận gia tăng số cổ đông tài chính thường trực và trao thêm tiếng nói cho các nền kinh tế mới nổi tại thể chế tài chính này. Hiện tại, Mỹ là cổ đông lớn nhất của IMF và có quyền phủ quyết các đề xuất cải cách của IMF mà Mỹ cho là sẽ làm suy yếu vai trò của nền kinh tế đầu tàu này.

Trong một động thái khác, nhằm gia tăng sự cô lập đối với Nga, ngày 12/3, Nhà Trắng phát tuyên bố chung của bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) đòi Moskva ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý sắp tới tại bán đảo Crimea. Tuyên bố chung do Văn phòng báo chí Nhà Trắng công bố nói rằng 7 nước (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Đức, Nhật Bản, Canada) cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu kêu gọi Liên bang Nga ngừng sự ủng hộ đối với các nỗ lực thay đổi quy chế của Crimea.

G-7 cảnh báo “sẽ có thêm các hành động đơn phương hoặc tập thể” nếu Moskva tiếp tục ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea, đồng thời đề nghị Nga tiến hành đàm phán trực tiếp với chính quyền Ukraine để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này. Tuyên bố cũng đe dọa Nga về khả năng nhóm G-7 sẽ hoãn việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G-8 (gồm G-7 và Nga) tại Sochi vào tháng 6 tới nếu Nga không chấm dứt các hành động tại Ukraine.

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đã điều 12 máy bay chiến đấu F-16 và bổ sung 300 binh lính cho biết đội tại Căn cứ không quân Lask ở Ba Lan trong bối cảnh gia tăng căng thẳng tại Ukraine. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Steven Warren cho biết đây là động thái quan trọng trong kế hoạch luân chuyển các máy bay chiến đấu Mỹ tại châu Âu được khởi động từ cuối năm 2012.


TTXVN/Tin tức