08:14 17/08/2014

Nga có nên lo lắng khi Mỹ-Ấn Độ xích lại gần nhau?

Trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách "ve vãn" Ấn Độ và phương Tây hướng đến một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0 với Nga, New Delhi đang có nhiều lựa chọn. Nhưng liệu Nga có cần phải lo lắng về điều này?

Ấn Độ đang có nhiều lựa chọn nhưng cũng phải đối mặt với một số vấn đề khi các cường quốc lớn khác trên thế giới đang tìm cách "ve vãn" chính phủ mới của Thủ tướng Narendra Modi. Tuy nhiên, Nga không cần phải lo lắng về điều này.

Hiện Washington đang tìm cách tạo ra những "cầu nối" với chính phủ của ông Narendra Modi trong bối cảnh phương Tây hướng đến một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0 với Nga. Mỹ và các nước châu Âu đã mở rộng các lệnh trừng phạt đối với các công ty Nga với cáo buộc Moskva có liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Đáp lại, Nga đã đưa ra các hành động trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu tất cả các loại thực phẩm từ phương Tây.

Hiện 60% kho vũ khí của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga.


Trong khi đó chính phủ của Thủ tướng Modi chỉ mới được thành lập được hơn 2 tháng, do đó nhiều thay đổi quan trọng có thể sẽ diễn ra. Quan trọng hơn, sự thay đổi đó đang bắt đầu từ bây giờ.

Trong một bức tranh lớn, Ấn Độ khả năng sẽ có bước đi rất thận trọng và cảnh giác nhằm quản lý các mối quan hệ “kiềng 3 chân” trong chính sách đối ngoại của mình: (1) với các nước phát triển do Mỹ đứng đầu (trong đó bao gồm các cường quốc châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc), (2) Nga và (3) Trung Quốc. Việc Ấn Độ giải quyết mối quan hệ với 3 trụ cột quan trọng này như thế nào có thể được tóm tắt như sau:

Thứ nhất, Ấn Độ có thể đang thực hiện một sự chuyển đổi chính sách khéo léo để đáp ứng nhu cầu tìm nguồn cung ứng thiết bị quốc phòng của nước này từ các nước phương Tây như Mỹ, Pháp và Israel - 3 đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Nga trong lĩnh vực quân sự. Điều này có nghĩa là xuất khẩu quốc phòng từ Nga sang Ấn Độ khả năng sẽ tiếp tục giảm đi trong khi 3 nước được đề cập ở trên có thể mở rộng quy mô hợp tác quốc phòng với New Delhi, đặc biệt là việc bán các vũ khí hiện đại.

Đây không phải là để chọc tức Moskva, mà nhằm giảm dần sự phụ thuộc của Ấn Độ vào vũ khí của Nga. Sự phụ thuộc này đang giảm dần và hiện nay đã giảm xuống còn khoảng 60%, có nghĩa là 60% các loại vũ khí của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga.

Thứ hai, Ấn Độ muốn tập trung vào công nghệ tiên tiến mà phương Tây đang sẵn sàng cung cấp thông qua việc cùng hợp tác sản xuất và phát triển.

Thứ ba, trong khi các hợp đồng quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ có thể giảm đi, thì các thỏa thuận kinh tế lớn giữa hai nước đang chờ đợi được ký kết ở phía trước, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là 2 lĩnh vực quan trọng: hạt nhân và dầu khí. Ấn Độ và Nga đang tổ chức các cuộc thảo luận nghiêm túc về một đường ống trị giá 40 tỷ USD từ Nga đến Ấn Độ, ban đầu sẽ cung cấp khí đốt, sau đó là dầu khí. Đây sẽ là nền tảng của tất cả các dự án hợp tác song phương giữa hai nước.

Mỹ đề nghị Ấn Độ cùng sản xuất và phát triển tên lửa Javelin.


Washington “ve vãn” New Delhi, đề nghị lập liên minh Mỹ-Ấn-Nhật


Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel mới đây đã kết thúc chuyến thăm chính thức New Delhi, nơi ông gặp người đồng cấp Arun Jaitley, Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj và Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ. Chuyến công du của ông Hagel diễn ra chỉ 1 tuần sau khi 2 bộ trưởng Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker đến thăm nước này.

Trong chuyến thăm, ông Hagel cũng đã gặp những giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty quốc phòng Ấn Độ như Bharat Forge, L&T, Mahindra Group, Tata Sons, Reliance Industries, Pipavav và các công ty quốc phòng Mỹ ở Ấn Độ như Honeywell, Raytheon và Textron. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đề xuất một liên minh quân sự ba bên giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, trong khi tư vấn cho New Delhi rằng nước này không phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington mà vẫn tiếp tục hợp tác với cả hai.

Những chuyến thăm trên của các quan chức quốc phòng, ngoại giao và thương mại Mỹ tới Ấn Độ được xem là bước chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Barack Obama tại Washington, dự kiến được tổ chức vào ngày 30/9 tới.

Các cuộc tiếp xúc ngày càng tăng giữa Ấn Độ-Mỹ ở cấp chính trị cao nhất này cho thấy sự thay đổi nhanh chóng trong “ma trận” ngoại giao và chiến lược liên quan đến chính phủ mới của Ấn Độ, và Nga chính là nhân tố nội tại trong trò chơi ngoại giao này khi mà phương Tây tìm cách ve vãn New Delhi, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc đang có các bước tiến chậm nhưng chắc trong việc tăng cường hợp tác song phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái), gặp Tư lệnh Không quân Ấn Độ Marshal Arup Raha ở New Delhi.


Trước đó, trên đường tới thăm Ấn Độ, ông Hagel nói với các phóng viên đi cùng rằng New Delhi cần phải có thời gian và không gian để xác định bản chất của mối quan hệ với Washington. "Ấn Độ là một quốc gia không liên kết, độc lập kể từ khi trở thành một nền dân chủ. Chúng tôi tôn trọng điều đó. Chúng tôi lưu ý về điều đó. Người dân Ấn Độ, giống như những người của bất kỳ các quốc gia khác, cần có không gian ra quyết định của họ", ông Hagel nói.

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp phía Ấn Độ, ông Hagel đã thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác quốc phòng trị giá hơn 7 tỷ USD, bao gồm cả các chương trình hợp tác vốn đã bị đình trệ như pháo siêu nhẹ M-777 và tên lửa chống tăng có điều khiển Javelin (ATGM). Mỹ đã có giao dịch quốc phòng trị giá 10 tỷ USD với Ấn Độ trong thập kỷ qua và đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp quốc phòng số 1 của nước này. Nhưng giờ đây, Mỹ đang có nhiều tham vọng hơn và muốn mở rộng việc xuất khẩu vũ khí của mình sang các lĩnh vực khác như máy bay trực thăng và các phương tiện không người lái (UAV).

Ấn Độ và Mỹ đã tiến rất gần đến việc ký kết hợp đồng quốc phòng trị giá 2,5 tỷ USD cho 22 trực thăng tấn công Apache và 15 trực thăng vận tải hạng nặng Chinook. Một thỏa thuận quốc phòng khác mà Ấn Độ và Mỹ có thể sẽ ký kết trong vài tuần tới là việc cung cấp 145 khẩu pháo siêu nhẹ M-777 (trị giá 885 triệu USD). Những khẩu pháo này có thể được biên chế cho Quân đoàn sơn cước mới của Ấn Độ, mà trọng tâm chủ yếu là đối phó Trung Quốc.

Tuy nhiên, cần phải thấy rõ một điều rằng không có một hợp đồng quốc phòng được ký kết trong chuyến thăm của ông Hagel vừa qua và tất cả sẽ được gác lại cho tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Obama sắp tới.


Công Thuận
(Theo I.D)