07:20 27/07/2017

Nga cảnh báo đáp trả lệnh trừng phạt mới, khiến Mỹ 'đau đớn'

Nga thẳng thắn cảnh báo sẽ trả đũa các đòn trừng phạt nhằm vào nước này mà Hạ viện Mỹ thông qua ngày 25/7.

Nghị sỹ Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachyov bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội Facebook rằng hy vọng đang “chết dần” đối với cải thiện quan hệ song phương bởi quy mô “chống Nga trong Quốc hội Mỹ đang khiến đối thoại khó đạt được trong thời gian dài”. Ông Kosachyov nói Nga nên chuẩn bị một phản ứng “đau đớn cho người Mỹ” đối với những trừng phạt mới được Hạ viện Mỹ thông qua.

Tòa Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C. Ảnh: Reuters

Hãng tin Interfax (Nga) ngày 26/7 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Sergei Ryabkov nhận định các biện pháp trừng phạt đã đẩy mối quan hệ Nga-Mỹ vào vùng hoang địa và “không để dành bất cứ chỗ nào cho bình thường hóa quan hệ” trong tương lai đã được thấy trước.

Quyết định của Quốc hội Mỹ

Lệnh trừng phạt mới được thông qua ở thời điểm 3 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức vào đầu tháng 7. Những biện pháp trừng phạt này hiện được trình lên Thượng viện Mỹ, sẽ tạo điều kiện để lưỡng viện Quốc hội chặn mọi nỗ lực của Tổng thống Donald Trump giảm bớt những lệnh trừng phạt có từ thời chính quyền Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama nhằm vào Nga. Nhà Trắng hiện đã đưa tin những tín hiệu lẫn lộn về khả năng ông chủ Nhà Trắng Trump có đặt bút ký hay không.

Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế ngày 26/7 nêu rõ rằng các thành viên Thượng viện muốn xem xét về các lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Hạ viện bổ sung trong dự luật được thông qua ngày 25/7. Nếu các thượng nghị sĩ muốn thay đổi dự luật này thì việc bỏ phiếu thông qua sẽ bị trì hoãn, có thể đến tháng 9 năm nay khi các nhà làm luật quay trở lại sau thời gian tạm nghỉ.

Phát biểu với các phóng viên ở Washington, ông Corker nói: “Chúng tôi đều muốn dự luật này được thông qua trước kỳ nghỉ. Nhưng Nhà Trắng không thích dự luật này. Bộ Ngoại giao cũng như vậy. Nhưng dự luật này sẽ được thông qua, OK”.

Nga không sợ sệt

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng những lệnh trừng phạt mới “khá đáng buồn xét về quan hệ Nga-Mỹ và viễn cảnh để phát triển, bên cạnh đó từ phương diện luật quốc tế và ngoại thương cũng đáng thất vọng”. Ông Peskov đồng thời khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ quyết định về phương thức phản ứng nếu dự luật trừng phạt mới được Mỹ ban hành chính thức.

Trong khi đó, nghị sĩ Alexei Pushkov tại Thượng viện Nga đăng trên mạng xã hội Twitter rằng Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ ký thông qua dự luật bởi “ông ấy là tù nhân của Quốc hội và tâm lý bài Nga”. Ông Pushkov kết luận rằng những lệnh trừng phạt này là “nấc thang mới của sự đương đầu”.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn lời Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga Vladimir Dzhabarov cho biết Nga đã chuẩn bị biện pháp kinh tế và chính trị để đưa ra trong trường hợp Thượng viện và Tổng thống Mỹ thông qua dự luật trừng phạt mới bởi “chúng ta chẳng còn gì để mất”.

Trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 7/7, ông chủ Nhà Trắng đã mở đầu bằng việc đề cập đến lo ngại của người dân Mỹ về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng thuận với đánh giá của ông Putin rằng cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ là sai lầm.

Các ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đều đang tiến hành điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, điều mà Tổng thống Trump miêu tả là “cuộc săn phù thủy”.

Do vậy, hãng tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá việc bỏ phiếu ngày 25/7 của Hạ viện Mỹ đã đóng hẹp cánh cửa dẫn đến đột phá trong quan hệ Moskva-Washington, 6 tháng sau khi ông Trump lên giữ vị trí Tổng thống.

Châu Âu phản đối


Liên minh châu Âu đã thể hiện rõ sự không hài lòng với việc Hạ viện Mỹ thông qua dự lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga. Điều này được cho bắt nguồn từ việc dự luật mới cho phép Mỹ trừng phạt bất cứ công ty nào “dính dáng” đến duy trì và phát triển đường ống dầu xuất khẩu của Nga. Đây là "mũi tên" có thể gây ảnh hưởng đến việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2" giữa Nga và Đức.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters

Ngày 26/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nêu rõ: “Nếu quan ngại của chúng tôi không được xem xét, chỉ trong thời gian vài ngày, chúng sẵn sàng đứng lên hành động thích đáng”.

Về phía Đức, chính phủ nước này luôn ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2 do vậy tỏ ra lo ngại về lệnh trừng phạt mới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schäfer cùng ngày 26/7 tuyên bố “không thể chấp nhận nếu Washington sử dụng lệnh trừng phạt làm công cụ tạo điều kiện cho lợi ích của chính sách công nghiệp Mỹ”.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Pháp nhận định rằng nếu được ban hành chính thức, đạo luật trừng phạt mới sẽ gây ảnh hưởng tới châu Âu.

Tờ Financial Times (Anh) ngày 24/7 đưa tin rằng Ủy ban châu Âu đã phác thảo tài liệu nội bộ về các lựa chọn cho phản ứng với trường hợp Mỹ áp đặt trừng phạt Nga. Trong đó bao gồm “quy chế chặn” hạn chế phạm vi quyền lực đặc quyền ngoại giao của Mỹ tại châu Âu.

Kênh RT (Nga) ngày 27/7 dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Black nhận định rằng EU sẽ làm mọi điều để bảo vệ "Dòng chảy phương Bắc 2", từ đó ông cho rằng ý định của các nhà làm luật Mỹ là “sai lầm tồi tệ”.

Hà Linh/Báo Tin Tức