02:09 13/02/2018

Nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân, Tổng thống Trump sẽ ở đâu?

Điều gì sẽ xảy ra với Tổng thống Mỹ trong viễn cảnh xảy ra chiến tranh hạt nhân? Câu trả lời là gần như ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump sẽ được hộ tống tới một địa điểm an toàn.

Trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân, boongke sẽ đóng vai trò hữu dụng bởi nhà lãnh đạo Mỹ cần một nơi an toàn để lãnh đạo quốc gia.

Tổng thống Trump có rất nhiều địa điểm để trú ẩn. Một lựa chọn nằm ngay dưới Nhà Trắng, đó là khu vực kiên cố được xây trong thập niên 50 của thế kỷ trước. Theo lính thủy đánh bộ Robert Darling, người từng trú ẩn tại boongke Nhà Trắng trong sự kiện 9/11, chỉ có một số ít cá nhân được lựa chọn mới có thể vào được cơ sở này.

Tổng thống Trump tại Mar-a-Lago. Ảnh: Getty Image

Ngoài ra, bản thân Tổng thống Trump còn có một boongke thô sơ tại khu nghỉ dưỡng của ông ở Mar-a-Lago (bang Florida) cũng như một địa điểm từng được sử dụng để chứa bom tại sân golf của ông thuộc West Palm Beach.

Đài BBC (Anh) đánh giá những nơi trú ẩn của Tổng thống Trump phần nào phản ánh được nỗ lực mà người dân Mỹ đã bỏ ra trong vài thập niên gần đây để chuẩn bị cho viễn cảnh xảy ra chiến tranh hạt nhân..

Đối với nhiều người, ý tưởng về chiến tranh hạt nhân là bất khả thi nhưng nhiều người khác lại chuẩn bị đề phòng trước cho điều này.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, một chương trình dân phòng đã được thành lập. Theo đó cơ quan này đã nỗ lực xây dựng hệ thống trú ẩn trên toàn quốc, dành cho nhân viên chính phủ và cả người dân thường. Đơn cử là một cơ sở lớn được thi công tại Los Altos, bang California trong thập niên 60 của thế kỷ trước.

Boongke dành cho Tổng thống Mỹ thứ 35 John F Kennedy tại Peanut Island. Ảnh: BBC

Mùa thu năm 1961, một boongke dành cho Tổng thống John F Kennedy được xây dựng tại Peanut Island, bang Florida. Dựa trên một báo cáo gửi Quốc hội năm 1973, số kinh phí bỏ ra để xây boongke này là 97.000 USD. Cố Tổng thống John F Kennedy từng đến thăm boongke này một vài lần.

Ngoài ra, có nhiều người quyết định tự xây dựng boongke cho nhu cầu của riêng. Vào đầu thập niên 50, bà Marjorie Merriweather Post, chủ của Mar-a-Lago vào thời điểm đó, đã rất lo lắng về cuộc chiến tranh Triều Tiên. Do vậy, bà Post quyết định xây một boongke ngầm dưới đất ở Mar-a-Lago. Đến năm 1985, ông Trump mua lại Mar-a-Lago nên trở thành chủ boongke này.

Khu vực tại Núi Weather. Ảnh: BBC

Núi Weather cao 534 m nằm gần Bluemont, bang Virginia đã được biến thành một boongke khổng lồ cho Tổng thống Mỹ, các cố vấn và những người khác.

Địa điểm tại Núi Weather hiện do Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) quản lý và từng được “kích hoạt” sau vụ khủng bố 11/9. Đây là thông tin một giám đốc của FEMA đưa ra trong năm 2001, tuy nhiên ông này không đưa ra bằng chứng chi tiết.

Các boongke của Tổng thống Mỹ, dù là ở Núi Weather hay Peanut Island đều có điểm chung là được xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Boongke tại Peanut Island đủ chỗ dành cho 30 người. Trong khi đó địa điểm tại Núi Weather có đủ chỗ cho Tổng thống và hàng trăm người khác, kể cả phóng viên bởi trong cơ sở này có một phòng báo chí.

Boongke ở Greenbrier nay trở thành điểm thu hút khách du lịch. Ảnh: BBC

Trong khi đó, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ sẽ được sơ tán đến một boongke ở khu nghỉ dưỡng Greenbrier gần White Sulphur Springs, Tây Virginia. Cơ sở này có mật danh là Dự án đảo Greek, vốn đã hoạt động trong nhiều thập niên nhưng mãi cho đến năm 1992 thông tin về nơi này với bị truyền thông phát hiện và đưa tin rộng rãi. Từ đó đến nay, nơi này đã được cho “nghỉ hưu” và biến thành điểm du lịch.

Hà Linh/Báo Tin tức