08:08 12/08/2017

Nếu tấn công Guam: Tên lửa hạt nhân của Triều Tiên có đánh trúng mục tiêu?

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “lửa cháy và thịnh nộ” với Triều Tiên, nước này cũng dọa tấn công bằng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vào căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, nơi có máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer. Nhưng tên lửa của quân đội nhân dân Triều Tiên có bao nhiêu cơ hội lọt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Bốn chiếc B-1B Lancer từ Texas tới căn cứ không quân Andersen ở Guam. Ảnh: Không quân Mỹ

Theo tờ Business Insider (Mỹ), loại tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên dọa sẽ mang ra để tấn công đảo Guam không dễ gì có thể đánh trúng mục tiêu.


Ông Mike Elleman, thành viên cấp cao chuyên về phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói: “Không có ai, kể cả Triều Tiên, biết bán kính lệch mục tiêu của tên lửa Hwasong-12”.


Bán kính lệch mục tiêu (CEP) là sai số bán kính có thể xảy ra hoặc khoảng cánh mà một tên lửa có thể trượt mục tiêu.


Ông Elleman nói: Chúng ta có thể đoán CEP tối thiểu dựa vào những nguyên tắc cơ bản. Tuy nhiên, nếu một nhiệm vụ nhỏ như khởi động động cơ chỉ cần chậm một phần nhỏ của giây thì cũng có thể khiến tên lửa chệch đường bay hàng km.


CEP có thể lớn hơn 5 km. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính sơ bộ. Ông Elleman nói: “Với số lần thử nghiệm ít ỏi, tôi ngờ rằng nếu Hwasong-12 được sử dụng hôm nay thì nó sẽ có CEP lớn hơn 5km đáng kể, có thể là 10km hoặc hơn”.


Trong khi đó, căn cứ không quân Andersen, nơi có các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ tại Guam mà Triều Tiên muốn đánh trúng, trải dài 56 km. Do đó, Triều Tiên sẽ gặp nhiều vấn đề lớn hơn chứ không chỉ là độ chính xác.


Bán kính nổ lớn do thiết bị hạt nhân gây ra có thể bù lại độ thiếu chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng Triều Tiên có thể xây dựng được thiết bị đưa tên lửa trở lại bầu khí quyển Trái Đất xuyên qua áp suất và ma sát cực lớn.


Lần thử Hwasong-12 duy nhất đã được thực hiện theo phương bắn võng chứ không phải là một đường cong như trong thực tế. Triều Tiên sẽ cần phải phóng thử vài tên lửa như thế nữa để kiểm tra hoạt động của chúng. Trong khi đó, hiện chưa có bằng chứng cho thấy Triều Tiên sẵn có nhiều tên lửa loại này.


Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. EPA/TTXVN

Ngoài ra, quân đội Mỹ ở Guam có Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đáng tin cậy.


Trung tá Christopher Logan, phát ngôn viên Lầu Năm góc nói: “Chúng tôi luôn duy trì trạng thái sẵn sàng ở mức cao và có khả năng đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, kể cả mối đe dọa từ Triều Tiên.


Khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-12 ngày 4/7, Mỹ đã biết trước 70 phút. Sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ tấn công đảo Guam, Mỹ thậm chí còn cảnh giác hơn và có thể can thiệp nếu phát hiện Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa.


Theo ông George Charfauros, một qua chức hàng đầu về An ninh Nội địa ở Guam mới đây cũng nhận định với tờ Pacific Daily News rằng tên lửa Triều Tiên hầu như không có cơ hội lọt qua được các vòng phòng thủ trên đảo Guam. Ông cho rằng chỉ có 1/10.000 cơ hội tên lửa Triều Tiên có thể lọt qua hệ thống phòng thủ tên lửa trên Guam.


Nhận định này được Thống đốc Guam, ông Eddie Calvo đồng tình và kêu gọi người dân đảo không hoảng sợ. Ông Calvo trấn an cư dân đảo Guam: “Tôi có đảm bảo từ mọi cấp độ, cả ở cấp bộ chỉ huy địa phương và Washington DC, rằng đảo này sẽ được bảo vệ”.


Do đó, dù là yếu tố chủ quan hay khách quan thì tên lửa hạt nhân của quân đội nhân dân Triều Tiên cũng có khó khả năng đánh trúng mục tiêu trên đảo Guam của Mỹ.


Thùy Dương/Báo Tin Tức