05:06 15/05/2014

Nếu đó là trận chia tay…

Với Phạm Văn Quyến, dường như không có gì khó hơn lời nói chia tay sân cỏ. Trong một chiều hè thật đặc biệt ở cố đô Hoa Lư, tâm trạng của “thần đồng” bóng đá Việt Nam một thuở đã giằng xé…

Với Phạm Văn Quyến, dường như không có gì khó hơn lời nói chia tay sân cỏ. Trong một chiều hè thật đặc biệt ở cố đô Hoa Lư, tâm trạng của “thần đồng” bóng đá Việt Nam một thuở đã giằng xé…

 

Sân Ninh Bình chiều 13/5 nóng hơn thường lệ. Nóng không phải vì nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C của các khối bê tông, khiến không khí bốn bề trở nên đặc quánh. Nóng cũng không phải vì bóng lại lăn tại đây, bất chấp đội bóng của bầu Trường đã nghỉ chơi ở V-League và Cúp quốc gia 2014, trong lúc 2/9 cầu thủ vướng vào vụ bê bối cá độ ở AFC Cup đã bị bắt tạm giam.


Mà nóng từ một cái tên: Phạm Văn Quyến.


Từ đầu giờ chiều, khá đông các bạn trẻ áo vàng đã tụ tập ở cổng phía tây của sân Ninh Bình. Nhìn màu áo đó thì có thể đoán ngay là họ không đến cổ vũ cho đội chủ nhà XM The Vissai Ninh Bình, trong cuộc tiếp đón Churchill Brothers của Ấn Độ tại vòng knock-out đầu tiên AFC Cup 2014. Họ là những cổ động viên xứ Nghệ. Họ lặn lội hàng trăm kilômét về đây là vì Quyến.

 

Văn Quyến chạy ngang qua tấm băng rôn của người hâm mộ Nghệ An, tại sân Ninh Bình ngày 13/5.


Trời nóng như đổ lửa. Những quán nước mía vỉa hè cạnh sân thậm chí còn không còn ghế để phục vụ khách Nghệ An. Người dân phố chợ xung quanh sân có lẽ chẳng ai nghĩ bóng đá Ninh Bình còn có sức hút đối với khán giả, sau vụ scandal ầm ĩ của Trần Mạnh Dũng và các đồng đội suốt cả tháng 4 vừa qua. Nhưng sức hút từ Quyến thì vẫn còn nguyên vẹn, hệt như những ngày đầu Quyến nổi lên trong màu áo SLNA và U16 Việt Nam khoảng 15 năm trước. Kể cả khi Quyến “béo”… ngày càng béo, tình cảm mà người hâm mộ dành cho anh vẫn là duy nhất.


Một cảm xúc thật khó tả khi Quyến chạy khởi động lướt qua tấm băng rôn được các fan SLNA căng lên ở khán đài B, nơi phải chịu ánh nắng thiêu đốt chiếu thẳng xuống. Trên đó, người ta có thể đọc: “Văn Quyến, một thời để nhớ…!”. Dòng chữ đó có sức gợi khác hẳn so với biểu ngữ “Cảm ơn bầu Trường” của người hâm mộ Ninh Bình ở phía khán đài đối diện.

 

Bàn thắng bằng chân trái của Văn Quyến trong trận đấu.


Quyến đã dự tính đây là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Từ ngày Ninh Bình dừng thi đấu các giải quốc nội cách đây 1 tháng, Quyến đã sống trong những tâm trạng khác nhau. Như con chim phải tên, sợ cành cong, Quyến đã co mình lại trước đồn đoán của dư luận, cho rằng anh cũng có liên quan tới vụ cá độ của các cầu thủ Ninh Bình, nghĩa là giẫm lên vết xe đổ của chính mình hồi SEA Games 23 năm 2005. Rồi Quyến nộp đơn xin thanh lý hợp đồng với Ninh Bình và trở về quê, bày tỏ ý định cưới vợ, phụng dưỡng mẹ già, cũng như tìm hướng mưu sinh mới.


Thông báo giải nghệ của Quyến đã làm dậy sóng các diễn đàn. Ở tuổi 30, với những bước chạy nặng nề và dưới những áp lực, có thể hiểu được suy nghĩ của một cầu thủ như Quyến. Nhưng người hâm mộ và kể cả những đồng nghiệp của Quyến đều cảm thấy tiếc, từ tận đáy lòng. Một cảm giác tiếc nuối chưa từng có tiền lệ. Một tài năng như Quyến, không phải thời nào cũng có.


Đó là lý do Quyến trở lại sân Ninh Bình, để có một trận chia tay cho trọn tình với bóng đá, trọn tình với người hâm mộ.


Và nếu đó là trận chia tay, thì đó là một lời tạ từ trọn vẹn, hoàn hảo. Quyến ra sân từ đầu và chơi sung sức đủ 90 phút, một điều mà ngay cả người thầy Nguyễn Văn Sỹ cũng mơ hồ trước giờ bóng lăn. Hơn thế, từng đường bóng trên sân của Quyến đều cho thấy đẳng cấp là thứ không dễ mất đi, dù khả năng di chuyển bị hạn chế vì sự nặng nề của cơ thể. “Những người anh em” Churchill đã phải “lác mắt” vì những pha chuyền bóng “mắt lác”, kiểu Ronaldinho, của Quyến.


Đặc biệt, có cảm giác chiếc đồng hồ thời gian đã quay ngược trở lại, khi Quyến ghi 2 bàn thắng đẹp vào lưới đối thủ tới từ Ấn Độ, giúp Ninh Bình giành thắng lợi 4 - 2 và ghi tên mình vào vòng tứ kết. Một pha khống chế khéo léo, rồi dứt điểm gọn gàng bằng chân trái (sau đó trọng tài mới phát hiện ra sự cố hy hữu là… lưới của Churchill Brothers bị rách sau cú sút của Quyến!). Một cú đá phạt hàng rào, để bóng rơi khẽ như một chiếc lá vàng vào góc lưới. Đó chính là Quyến của những ngày xưa, khi từng tung hoành và khẳng định đẳng cấp “thần đồng”.


Hai bàn tay Quyến chụm lại, tạo thành hình trái tim, khi anh chạy băng về phía người hâm mộ. Đáp lại là những tiếng hò reo “Văn Quyến! Văn Quyến!...”. Thậm chí, pháo sáng đã cháy hơn một lần trên khán đài. Một sự phấn khích tột độ, hiếm thấy ở một sân bóng “hiền” như Ninh Bình. Chỉ có Quyến mới làm được như vậy.


Nếu đó là trận chia tay, thì Quyến đã có tất cả: Đồng đội, bàn thắng, chiến thắng và đặc biệt là vòng tay của người hâm mộ. Những vòng tay ấy đã níu giữ Quyến ở cửa ra của sân Ninh Bình, để “Anh Quyến ơi, chụp với em một kiểu!”, khiến tất cả đều ngộp thở. Chỉ khi chiếc xe chở đội Ninh Bình, mang biển số rất đặc biệt là 35N - 3535, chở Quyến lao vào bóng tối đang phủ xuống cố đô, sự huyên náo mới nhường chỗ cho những bước chân mỏi mệt, hướng về quốc lộ 1A để bắt đầu lại hành trình dài.


Một trận đấu đặc biệt, một khung cảnh đặc biệt đã khiến Quyến giằng co: “Nếu đây là trận cuối cùng, thì tôi rất cảm ơn người hâm mộ Ninh Bình, cũng như người hâm mộ trên cả nước. Nhưng vì Ninh Bình thắng trận này, nên nếu như anh Sỹ và lãnh đạo vẫn cần, tôi có thể tiếp tục cống hiến cho đội bóng”.


Nghĩ về Quyến, chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo về Michel Platini huyền thoại:


Cầu trường rung lên cuồng nhiệt nghẹn ngào


Nuối tiếc chào một - người - dừng - đúng - lúc


Chợt hiểu: Biết ra đi là nghệ thuật...

 

Bài và ảnh: Song Long