05:10 24/05/2017

Nếu cứ 'cắt khúc', không rõ ràng trách nhiệm thì không quản được nạn 'cát tặc'

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, quản lý khai thác cát không thể có hiệu quả nếu cứ cắt khúc, không rõ trách nhiệm các bên.

Trao đổi với phóng viên tại kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho biết, thực trạng hạ lưu sông Đà đoạn qua tỉnh Hòa Bình rất khó quản lý tình trạng khai thác cát trái phép do chưa rõ trách nhiệm các bên liên quan.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh trao đổi với phóng viên.

"Vừa rồi, HĐND tỉnh Hòa Bình giám sát rất quyết liệt vấn đề cát tặc, trong đó có việc khai thác cát ngay chân đập thủy điện Hòa Bình mà một số báo đã nêu. Tuy nhiên đó là vùng tranh chấp ranh giới giữa Hòa Bình với Phú Thọ. Bên này Hòa Bình làm rốt ráo mà bên kia Phú Thọ không làm thì rất khó có hiệu quả. Ranh giới chia sông làm đôi, lúc thì cát tặc hút bên này, truy đuổi thì chạy sang bên kia. Nếu hai bên không thống nhất cách làm, một bên bỏ rất nhiều tiền ra để kè, một bên lại cho hút thì không hiệu quả", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho hay.

Ngày 22/5 vừa qua, tỉnh Hòa Bình đã họp với các ngành chức năng, chỉ đạo tạm dừng ngay hoạt động khai thác cát tại mỏ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Hùng Yến và Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Sahara trên sông Đà, hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình, đoạn qua xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn trong thời gian từ ngày 22/5 đến hết ngày 10/6/2017.

Thực tế từ đầu tháng 5 đến nay, tại khu vực trên, 2 công ty có giấy khai thác mỏ nhưng đã tổ chức khai thác rầm rộ với nhiều tàu cuốc, tàu hút công suất lớn, vượt quá khối lượng và ranh giới cho phép, gây bức xúc trong dư luận.

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, bây giờ nguồn cát tự nhiên không về nữa. Trên sông Đà có 3 - 4 bậc thủy điện, lũ không về nên không còn cát. Chỉ có hút thì hai bên bờ sạt ra thành cát mà thôi. "Bây giờ khai thác cát là "ăn vào" da thịt mình rồi chứ không còn là tài nguyên trời phú hay tái tạo nữa", ông Sinh nói.

Đại biểu này kiến nghị: Cần chấn chỉnh cơ chế quản lý tài nguyên liên quan đến nhiều địa phương và bộ, ngành. Phải có "nhạc trưởng". Nếu cứ cắt khúc, không rõ ràng trách nhiệm thì không thể quản được. Mặt khác, cấp giấy phép cho doanh nghiệp nạo vét khơi thông luồng lạch nhưng không giám sát thì họ sẽ lợi dụng khai thác trái phép.

Tình trạng khai thác cát trái phép là một trong 6 nhóm vấn đề được cử tri cả nước quan tâm gửi tới kì họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Cử tri và nhân dân kiến nghị phải xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm minh với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý kịp thời, giải quyết triệt để tình trạng này.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức