12:18 19/12/2018

Nếu áp thuế tài sản, mỗi gia đình sẽ phải chi trả ra sao?

Liên quan tới Dự án Luật Thuế tài sản đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, ông Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay: VEPR và nhóm chuyên gia đã tính toán mức độ ảnh hưởng của việc đánh thuế này.

Chú thích ảnh
Khu biệt thự, nhà ở liền kề tại Khu đô thị mới Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh minh họa: Báo Tin tức

Theo đó, mỗi hộ gia đình có thể sẽ phải chi trả thêm 1,3 triệu đồng/năm nếu áp thuế tài sản với nhà, đất như dự thảo Luật Thuế tài sản đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên theo  Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), số tiền này sẽ giảm gần 1/2 nếu phương án đánh thuế được điều chỉnh theo đề xuất của một nhóm chuyên gia kinh tế.

Liên quan tới những phương án mà Bộ Tài chính đưa ra áp thuế đối với nhà, đất trên 700 triệu đồng với mức tính thuế 0,3%; nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống hưởng thuế 0%, từ 1 tỷ đồng trở lên áp thuế 0,3%, Tiến sỹ Nguyễn Việt Cường (Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong) cho biết: Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các kịch bản thuế suất 0,3% và 0,4% đối với các ngưỡng chịu thuế từ 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. 

“Phương án ngưỡng 2 tỷ đồng không có trong dự thảo của Bộ Tài chính tuy nhiên hiện nhà có mức giá 1-2 tỷ đồng là khá bình thường và thậm chí phải trên 2 tỷ đồng. Bởi vậy, nhóm chuyên gia đưa thêm cả phương án này để tính toán”, ông Nguyễn Việt Cường nói.

Kết quả cho thấy: Nếu ngưỡng đánh thuế nhà là 700 triệu đồng thì có 8% hộ gia đình phải đóng thuế. Tỷ lệ này giảm xuống còn 4,3% nếu ngưỡng tính thuế là 1 tỷ đồng và chỉ còn 0,4% với phương án chỉ đánh thuế nhà từ 2 tỷ đồng trở lên.

Về số tiền phải nộp, theo tính toán, đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978.000 đồng. Nếu áp thuế 0,4%, số tiền phải hộ phải bỏ ra hàng năm lên tới hơn 1,3 triệu đồng. Nếu ngưỡng chịu thuế từ 1 tỷ đồng, mức thuế nhà và đất trung bình mỗi hộ phải nộp hàng năm từ 897.000 đồng tới gần 1,2 triệu đồng. 

Phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng theo ông Việt Cường có tác động nhỏ nhất đối với hộ gia đình. Cụ thể: Với phương án này, các hộ gia đình chỉ phải bỏ ra 763.000 đồng/năm. Cũng với ngưỡng chịu thuế này, mức thuế nếu là 0,4% thì số tiền phải bỏ ra mỗi năm cũng chỉ là 1 triệu đồng, thấp hơn các ngưỡng trước đó. vì vậy theo nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, phương án ngưỡng tính thuế 2 tỷ đồng là phù hợp.

Theo ông Nguyễn Đức Thành,  Viện trưởng VEPR,  thuế tài sản nếu được ban hành như Dự thảo sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Tuy nhiên, không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị giảm thu nhập chứ không phải do người nghèo được cải thiện. Vì vậy, thuế tài sản không phải là một sắc thuế bền vững nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội.

Đại diện VEPR cho rằng: Khi Bộ Tài chính ban hành một luật thuế mới, điều quan trọng là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở ngân sách của các cấp. "Tăng thu để phục vụ chi, nhưng chi như thế nào, người dân cần được rõ hiệu quả của các khoản chi đó," ông Đức Thành nói.

Theo Dự thảo Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án thuế: Phương án 1 áp dụng mức thuế suất thuế chung là 0,3%. Phương án 2 áp dụng mức thuế chung là 0,4%. 

Theo phương án 1: Đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): Áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất. Đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế, dự kiến có 2 phương án: Phương án 1, giá tính thuế đối với nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống hưởng thuế 0%, từ 1 tỷ đồng trở lên áp thuế 0,3% (dự kiến số thu thuế tài sản theo phương án này của Bộ Tài chính là khoảng 22.700 tỷ đồng). Phương án thứ hai: Giá tính thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng trở xuống không tính thuế, còn từ 700 triệu đồng trở lên áp mức thuế 0,3% (dự kiến thu khoảng 23.300 tỷ đồng).

Theo phương án 2 (áp dụng mức thuế chung là 0,4%), cũng dự kiến có 2 phương án: Giá tính thuế đối với nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống hưởng thuế 0%, từ 1 tỷ đồng trở lên áp thuế 0,4% (dự kiến số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng); trường hợp thứ hai là giá tính thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng trở xuống không tính thuế, còn từ 700 triệu đồng trở lên áp mức thuế 0,4% (dự kiến số thu thuế tài sản khoảng 31.000 tỷ đồng). Phương án này được Ban soạn thảo đề xuất trong dự thảo luật.

Theo ông Phạm Đình Thi-Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính), Luật Thuế tài sản sẽ tác động đến mọi người dân trong xã hội. Mặc dù kế thừa kinh nghiệm quốc tế, nhưng Ban soạn thảo đã tính toán để phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở tính thuế đất không tính theo giá thị trường mà theo từng cấp, hạng nhà do UBND tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm tính thuế (giá 1m2 nhà xây dựng mới được xây dựng căn cứ trên suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành).

Minh Phương/Báo Tin tức