01:17 25/01/2012

Nét đẹp truyền thốngtrong Tết Huế

Tết ở Huế bắt đầu từ sau lễ cúng ông Táo, tiếp đến là cúng Tổ nghề, cúng tất niên, cúng (chạp) rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, cúng hành khiển (thần coi sóc trong năm), cúng giao thừa và trồng cây nêu...

Tết ở Huế bắt đầu từ sau lễ cúng ông Táo, tiếp đến là cúng Tổ nghề, cúng tất niên, cúng (chạp) rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, cúng hành khiển (thần coi sóc trong năm), cúng giao thừa và trồng cây nêu... Điều đặc biệt là trong các lễ cúng đó không thể thiếu các sản vật vùng thôn quê như trầu cau và chuối...

Huế luôn lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống Tết. Ảnh: Internet


Theo người Huế, không có nơi nào mà sự hòa quyện giữa cau với trầu đặc biệt như cau Nam Phổ với trầu Chợ Dinh. Chẳng thế mà người ta truyền tụng từ đời này sang đời khác "Trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ/ Non vôi cũng đỏ, thiếu vỏ cũng ngon". Từ chiều mồng 1 tết Âm lịch trở đi, người Huế còn có tục mua bán cau trầu để cầu may đầu năm.

Trong mấy ngày Tết, ở Huế ấn tượng nhất là việc họp chợ Gia Lạc (ở thôn Nam Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Điều đặc biệt là chợ này họp trên một khu đất bình thường, mỗi năm chỉ họp đúng ba ngày Tết. Ngoài hàng ăn, thức uống, hàng hóa, bài chòi, Gia Lạc còn có những ưu điểm về thuần phong, mỹ tục mà ít chợ nào có được. Người ta đến với chợ không phải vì nhu cầu mua bán, mà vì thói quen, vì một tập tục đẹp đã có từ lâu đời. Họ lấy vui, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau đều ý tứ, lịch thiệp. Họ không tranh luận, không to tiếng như các phiên chợ trong năm. Đó là tinh thần mong muốn sự hòa đồng, tốt đẹp trong các mối quan hệ xã hội mỗi khi Tết đến.

Các làng quê ở Huế còn lưu giữ được nét sinh hoạt văn hóa như chợ phiên Quảng Ngạn (vào mùng 1 Tết âm lịch); lễ hội Đu Tiên Điền Hòa (mùng 2,3 Tết); lễ hội vật làng Thủ Lễ, làng Sình; lễ hội Cầu Ngư và đua ghe tại Lăng Cô và lễ hội Đền Huyền Trân vào mùng 9 âm lịch...

Năm nay, lễ hội đu tiên Điền Hòa lại trống giong, cờ mở. Đây là lễ hội đu tiên lâu đời nhất ở Huế, như một phong tục truyền thống đã khắc sâu vào trái tim của mỗi người dân nơi đây. Theo sử sách, đu tiên được du nhập vào xứ Thuận Hóa (Huế ngày nay) rất lâu, từ thế kỷ 14. Làng Điền Hòa là một trong những nơi đã diễn ra đu tiên sớm nhất. Từ đó, ở nhiều vùng nông thôn khác ở Huế như Phước Yên, Phò Trạch..., đu tiên là một trò chơi phổ biến trong những ngày Tết, được tổ chức từ ngày 26 tháng Chạp và kéo dài cho đến mồng 7 tháng Giêng (tức mùng 7 Tết âm lịch), với rất nhiều loại cây đu và lối chơi đu khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là hình thức đu đôi, vẫn được gọi là đu tiên, với từng cặp thanh niên cùng lên đu so tài. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt mới được tán thưởng, như trong câu ca: Nhún mình như thể nhún đu/Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm.

Tết ở Huế cùng là dịp để mọi người cùng nhau đi lễ chùa đầu xuân, vừa cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng, vừa vãn cảnh chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui thái bình. Từ mồng Một Tết năm nào trục đường Điện Biên Phủ, phía nam sông Hương, đối diện kinh thành Huế cũng đông như hội. Đi chùa ở Huế hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Mấy năm trở lại đây, du lịch văn hóa tâm linh ở Huế thường thu hút đông người dân và khách du lịch. Đáng chú ý là lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 9 tháng 1 Âm lịch, là một hoạt động thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi. Mở đầu cho chuỗi hoạt động của lễ hội là đại lễ cầu nguyện "Quốc thái dân an", lễ hội hoa đăng, ca múa nhạc Phật giáo... Tiếp đến là lễ khai mạc với phần nghi lễ chính dâng hương tại Điện Huyền Trân công chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông và vãn cảnh. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn tổ chức triển lãm, trưng bày và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống Huế, và các trò chơi dân gian; triển lãm thư pháp, cờ tướng, cờ người, võ thuật cổ truyền, thi cắm hoa... Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là quần thể kiến trúc gồm ngôi đền thờ Đức vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân Công chúa tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, nằm cách đàn Nam Giao chừng 6 km về phía Tây nam thành phố Huế.

Tọa lạc trên đỉnh núi Ngũ Phong ở độ cao 108 mét là tháp chuông Hoà Bình với một quả chuông được đúc bằng đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn, cao 2,16 mét. Giữa bốn bề mây núi giao hòa, tháp chuông Hòa Bình là nơi tịnh tâm của du khách thập phương. Từ đây phóng tầm mắt xuống, du khách sẽ có bức tranh toàn cảnh thiên nhiên như vẽ của thành phố Huế với sông Hương và núi Ngự. Năm mới du xuân lên Trung tâm Văn Hóa Huyền Trân, tại đây, du khách sẽ được gióng một hồi chuông ngân xa, cầu nguyện cho thế giới hòa bình và nhân loại được hạnh phúc...

Quốc Việt