Là một nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu, Malaysia đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi môi trường toàn cầu đang có nhiều biến động, đặc biệt là do các chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Samirul Ariff Othman, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn Global Asia Consulting đã có những chia sẻ trước động thái tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế quan từ 25-40% của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa xuất khẩu từ Malaysia và một số quốc gia ASEAN khác, có hiệu lực từ ngày 1/8 và nhằm vào hàng hóa trung chuyển.
Theo đó, Malaysia được xác định là một quốc gia tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực điện và điện tử, máy móc. Vì vậy, chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ gây ra những tác động trên diện rộng, lan tỏa tới nền kinh tế Malaysia khi nhu cầu nhập khẩu của toàn cầu suy giảm. Điều này được nhận định sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Malaysia trên thị trường quốc tế, đặc biệt là khi các đối thủ cạnh tranh không bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan tương tự.
Theo ông Samirul Ariff Othman, ngành điện tử ở Malaysia đang chứng kiến sự suy giảm khi mà xuất khẩu điện và điện tử (E&E) ở Malaysia đã giảm 3% trong Quý I năm 2025 so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực xuất khẩu nói chung của nước này cũng đang phải đối mặt không ít khó khăn khi mà tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong Quý I chỉ còn 4,1% so với mức 8,7% trong Quý IV năm 2024.
Ông Samirul Ariff Othman, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn Global Asia Consulting
Tuy vậy với thị trường Mỹ, hoạt động xuất khẩu hiện nay của Malaysia về cơ bản vẫn duy trì được ổn định. Điều này được lý giải do các tập đoàn Mỹ đang đẩy nhanh hoạt động nhập khẩu trước khi mức thuế quan mới được áp dụng. Trong đó, các lô hàng xuất khẩu điện tử của Malaysia sang Mỹ trong tháng 3 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Samirul Ariff Othman đã đưa ra một số nhận định về những lĩnh vực của Malaysia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ thuế quan của Mỹ. Đầu tiên là E&E và bán dẫn vì các sản phẩm của ngành này phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ (chiếm khoảng 13% kim ngạch xuất khẩu). Hiện nay, các doanh nghiệp Malaysia đang nỗ lực tối ưu hóa chi phí, áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất khẩu và nghiên cứu việc chuyển một phần hoạt động sản xuất sang các quốc gia bị áp thuế thấp hơn.
Thứ hai là sản phẩm găng tay cao su. Malaysia là một trong những nước xuất khẩu găng tay cao su hàng đầu thế giới, trong đó Mỹ được xác định là một thị trường quan trọng. Việc bị Mỹ áp mức thuế cao có thể khiến giá cả của các sản phẩm găng tay cao su của Malaysia trở nên đắt đỏ hơn, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh so với quốc gia khác. Điều này sẽ khiến đơn hàng bị giảm và gây thêm áp lực tài chính cho các nhà sản xuất.
Thứ ba là sản phẩm dầu cọ. Mặc dù thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng xuất khẩu dầu cọ của Malaysia, song mức thuế quan lên tới 25% cũng gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn, khiến các sản phẩm này bị ảnh hưởng gián tiếp do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và nhu cầu nhập khẩu giảm.
Thứ tư là ngành sản xuất ô tô. Tuy Malaysia không xuất khẩu nhiều sang Mỹ, nhưng các nhà sản xuất ô tô trong nước của Malaysia lại nhập khẩu nhiều linh kiện và công nghệ từ nước ngoài, bao gồm cả từ Mỹ. Nếu Mỹ áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Malaysia, điều này có thể làm tăng chi phí sản xuất ô tô tại Malaysia, ảnh hưởng đến giá thành xe và khả năng cạnh tranh của ngành. Theo ông Samirul Ariff Othman, tăng trưởng của ngành sản xuất ô tô của Malaysia có thể sẽ giảm và nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu sẽ thấp hơn sau khi thuế đối ứng có hiệu lực.
Thời gian gần đây, chính quyền Malaysia cũng chủ động đưa ra nhiều giải pháp để ứng phó với tình hình hiện nay. Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI) và Bộ Ngoại giao Malaysia đang tích cực đàm phán cấp cao với chính quyền Mỹ nhằm mục tiêu giảm thuế quan hoặc miễn hoàn toàn, kiểm soát chặt chẽ giấy chứng nhận xuất xứ để ngăn chặn tình trạng tái xuất. Bên cạnh đó, phía Malaysia cũng đưa ra các ưu đãi, chính sách hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng cạnh tranh như tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, giảm thuế, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại.
Về tình hình kinh tế chung của Malaysia, ông Samirul Ariff Othman cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong Quý I của Malaysia chỉ ở mức 4,4%, giảm so với con số 4,9% trong Quý IV năm 2024. Nhiều tổ chức quốc tế như IMF, OECD, RAM, ngân hàng đầu tư Maybank cũng điều chỉnh mức tăng trưởng trong năm 2025 giảm xuống còn khoảng 4,1% - 4,3%. Mặc dù chịu nhiều áp lực, song tình trạng lạm phát vẫn duy trì ở mức vừa phải do chỉ số giá tiêu dùng CPI đạt mức thấp.
Ngân hàng trung ương Malaysia đã cắt giảm lãi suất xuống còn 2,75% vào ngày 9/7/2025. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2020 nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế Malaysia vẫn xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực như: tiêu dùng tư nhân tiếp tục tăng khoảng 5% trong Quý I, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp là 3,1%, trong khi đó dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được tăng cường, tập trung vào lĩnh vực công nghệ, năng lượng xanh, chất bán dẫn và trung tâm dữ liệu.
Cuối cùng, ông Samirul Ariff Othman kết luận, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ thuế quan toàn cầu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu chậm lại, song các biện pháp ứng phó kịp thời của chính phủ đã giúp đa dạng hóa nền kinh tế, duy trì tăng trưởng tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, chính phủ Malaysia cũng nỗ lực hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mức thuế quan mới từ Mỹ như điện và điện tử duy trì đà tăng trưởng thông qua đàm phán và chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Nhìn chung, nền kinh tế Malaysia vẫn duy trì được sự ổn định và thể hiện khả năng thích ứng trước tình hình biến động thương mại toàn cầu.