03:19 04/03/2016

Nên có chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số

Trong những năm qua hệ thống chính sách dân tộc đã được xây dựng khá đồng bộ, bao phủ tất cả các lĩnh vực, địa bàn dân tộc và miền núi. Ông Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông (ảnh) đã trao đổi với PV Tin Tức về hiệu quả của chính sách dân tộc góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Thưa ông, giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã ban hành 154 chính sách dân tộc. Vậy những chính sách này đã phát huy hiệu quả ở Đắk Nông như thế nào?


Chính sách của Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã phát huy rất tốt. Những chính sách này đã góp phần đưa đời sống người dân và mặt bằng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một phát triển. Đời sống của bà con ở vùng sâu, vùng xa đã có bước cải thiện đáng kể.

Ví dụ như chính sách ổn định đồng bào di cư tự do đã giúp cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Đắk Nông là một trong những tỉnh Tây Nguyên có đông đồng bào di cư đến. Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành ở trung ương đã rất quan tâm, có những chính sách đặc thù giúp đồng bào sớm ổn định. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa bởi đồng bào di cư đến tỉnh Đắk Nông vẫn chưa giảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định. Nếu chúng ta không có chính sách đặc thù và quan tâm kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy như việc phá rừng lấy đất sản xuất, đất ở ngày một tăng do đồng bào di cư đến.

Tôi cũng đánh giá cao chính sách hỗ trợ lãi suất của nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Chính sách này đã phát huy hiệu quả khá tích cực bởi thay cho việc cấp phát cho không, Chính phủ đã chuyển sang hỗ trợ khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vay với lãi suất thấp để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Hỗ trợ lãi suất là chính sách thiết thực góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông nói chung và kinh tế của từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cũng đã có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 10 ngày 1/6/2012 của UBND tỉnh. Sau ba năm triển khai thực hiện, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thực hiện hỗ trợ và giải ngân được 729,626 triệu đồng cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với số tiền vay tại các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh gần 20 tỷ đồng.

Ông có đánh giá gì về Chương trình cấp phát báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?

Chương trình cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số theo QĐ 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy tác dụng rất rõ rệt. Thông qua báo và tạp chí được cấp, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận thông tin về tình hình an ninh chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và thế giới. Nhờ việc được tiếp cận thông tin qua báo chí, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa được học hỏi những kinh nghiệp làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vươn lên xóa đói giảm nghèo và học cách làm giàu.

Hiện nay ở Đắk Nông có những địa bàn vùng sâu, vùng xa phát thanh chưa thể đến được nên thông qua việc được cấp phát báo, tạp chí miễn phí góp phần giúp người dân tiếp cận thông tin, nắm vững những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng bào được đọc và học theo báo. Đây là một chính sách tốt và tích cực mà Chính phủ cần tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới.

Như ông đã nói, nhiều chính sách lớn của Chính phủ mang lại hiệu quả rất rõ rệt, lan tỏa sâu rộng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy để “phủ sóng” những chính sách này trong giai đoạn tới, theo ông cần thêm các giải pháp gì?

Hàng năm tỉnh Đắk Nông có số lượng dân di cư đến rất lớn, sau hơn 10 năm thành lập dân số tăng gần gấp hai lần và chủ yếu là dân di cư từ các tỉnh đến. Tính trung bình tăng hàng năm 18.582 người/năm, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 4.500 người/năm, do vậy, gây rất nhiều khó khăn cho tỉnh trong việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhất là thực hiện các chính sách dân tộc. Mặc dù đã được quan tâm thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án như: Ổn định dân di cư tự do, định canh định cư, chính sách đặc thù đối với dân tộc Mông... Tuy nhiên, thời gian qua nguồn lực đầu tư từ Trung ương bố trí rất hạn chế, trong khi ngân sách của tỉnh chưa tự cân đối để triển khai thực hiện.

Đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư, bố trí nguồn vốn kịp thời để thực hiện đạt mục tiêu các chương trình, chính sách đã được ban hành. Trung ương cần ban hành một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, nhất là các chính sách về tín dụng vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; chính sách về cấp thẻ khám chữa bệnh.

Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng hàng năm tiếp nhận số lượng dân di cư đến rất lớn, do vậy, đề nghị Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù và tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác thực hiện chính sách ổn định dân di cư tự do, chính sách định canh định cư cho đồng bào các dân tộc nhằm từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, đề nghị các tỉnh có dân di cư đến tiếp tục quan tâm, phối hợp để cùng với tỉnh thực hiện tốt hơn các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Để triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2016, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành áp dụng thống nhất và tiếp tục gia hạn áp dụng kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực 1,2,3 theo Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục gia hạn thực hiện Quyết định 447/QĐ-UBDT, ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc Công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015. Để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện chính sách năm 2016, đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm gia hạn phê duyệt danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135.

Xin cảm ơn ông!
Viết Tôn