06:10 19/06/2020

Ném chuột có sợ vỡ bình?

Thành ngữ Đức có câu "das Kind mit dem Bade ausschütten" (Hất đi đứa trẻ cùng với nước tắm), nôm na là đừng vội bỏ đi những thứ quý giá cùng với thứ mà ta thấy không cần nữa. Thành ngữ này gần với câu "ném chuột vỡ bình".

Câu chuyện quan hệ Đức-Mỹ mấy ngày qua phản ánh hơi hướng câu thành ngữ trên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút bớt quân khỏi Đức vì lý do được ông nhắc đến là trừng phạt việc Berlin chi quá ít cho quốc phòng cũng như vấn đề thặng dư thương mại song phương.

Chú thích ảnh
 Binh sĩ Mỹ tham gia một cuộc diễn tập tại Grafenwoehr, miền Nam Đức, ngày 4/3/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trước hết phải nhắc đến việc Đức hiện là một trong số "đại bản doanh" lớn nhất của quân đội Mỹ ở nước ngoài, chỉ đứng sau Nhật Bản về quân số. 34.500 binh sĩ cùng với 17.000 nhân viên dân sự người Mỹ, chưa kể khoảng 12.000 nhân viên người Đức, được triển khai tại hàng chục căn cứ ở Đức, trong đó có khoảng 10 căn cứ quan trọng nằm ở miền Trung và Nam quốc gia châu Âu. Trong số này phải kể đến Căn cứ không quân Ramstein để Mỹ triển khai các hoạt động tại Trung Đông và châu Phi; Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu (EUCOM) ở Tây Nam thành phố Stuttgart, điểm phối hợp trung tâm cho tất cả lực lượng Mỹ tại 51 quốc gia phần lớn ở châu Âu; hay Trung tâm huấn luyện Grafenwöhr, cơ sở đào tạo lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu...

Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, tuy lực lượng Mỹ đóng tại Đức đã giảm mạnh, song luôn được duy trì ổn định và là lực lượng cố định, gắn chặt cả về nhân sự và địa điểm ở nước Đức. Chính lực lượng này là "chiếc ô" đảm bảo an ninh cho Đức, cho châu Âu, quan trọng hơn là phục vụ lợi ích an ninh và chính trị toàn cầu của chính nước Mỹ, dù ở châu Âu, châu Á hay châu Phi. Nếu Mỹ coi Trung Quốc hay Nga là đối thủ thì Đức nằm giữa Mỹ với những nước này. Một vị trí chiến lược, đã được củng cố và phát triển trong hàng chục năm qua như vậy, lý do gì khiến Mỹ đi đến quyết định thay đổi, rút bớt quân ở một trong số đồng minh gần gũi nhất trong NATO này. 

Thế nhưng, cũng không cần phải suy nghĩ nhiều về việc liệu thông báo rút quân của Mỹ khỏi Đức có phải là một toan tính toán chiến lược hay không. Vài ngày sau khi thông tin được báo chí tiết lộ, Tổng thống Trump đã trả lời ngay cho câu hỏi đó: Trừng phạt. Lý do là Đức từ lâu luôn chi quá ít cho quốc phòng, kém xa mức yêu cầu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của NATO, nhất là khi hạn cuối vào năm 2024 phải đạt mức này đã sắp đến gần. Dù đã nhiều lần tăng, song đến năm 2019, mức chi tiêu cho quốc phòng của Đức cũng mới chỉ đạt 1,38% GDP. Tổng thống Trump cho rằng Đức nợ NATO quá nhiều và quá lâu, rằng nếu Berlin không chịu trả, Washington sẽ buộc phải tiếp tục rút quân. 

Cũng theo ông Trump, trong khi chi ít cho quốc phòng, Berlin lại rất "hào phóng" với Nga trong việc nhập khí đốt cũng như ủng hộ cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Đây cũng là "cái gai" mà Tổng thống Trump muốn cắt bỏ, thông qua các biện pháp trừng phạt mọi công ty liên quan tới việc xây dựng dự án này. 

Ngoài ra, tình trạng mất cân bằng thương mại giữa hai nước cũng là vấn đề mà Tổng thống Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Đức, cho rằng kinh tế Đức đã được hưởng lợi quá lớn nhờ thặng dư thương mại và tố cáo Berlin "không công bằng" khi xuất quá nhiều hàng hóa sang Mỹ. Do vậy, theo Tổng thống Trump, Mỹ sẽ không dại gì tiếp tục phải chi tiền để bảo vệ một nước Đức như vậy.

Một điều trớ trêu là khi thông tin về việc Mỹ rút quân được tung ra, Chính phủ Đức hoàn toàn bất ngờ và không hề nhận được thông báo gì từ Mỹ. Đây là điều rất hiếm gặp ở các đối tác NATO liên quan kế hoạch chuyển quân. Thậm chí, ngay cả Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ và Hội đồng An ninh quốc gia cũng không nắm được thông tin cụ thể, chỉ nói đó là "việc của Nhà Trắng". Theo nhiều quan chức chính phủ Đức và Mỹ, cái gọi là "quyết định rút quân" mà Tổng thống Trump sau đó xác nhận được đưa ra nhanh chóng trong nhóm bộ 3 gồm Tổng thống, Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien và cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, người được cho là "hết mực trung thành" với ông Trump. 

Trong thời gian 2 năm làm đại sứ ở Đức, ông Grenell đã tạo nên nhiều sóng gió với những phát biểu, bài viết khiến nước Đức rất "nóng mặt", như việc khuyến cáo doanh nghiệp Đức nên làm gì hay gợi ý cho Chính phủ Đức trong chính sách người tị nạn. Ngay từ năm ngoái, chính ông là người phê phán Đức chi quá ít cho quốc phòng và cảnh báo Mỹ sẽ rút bớt quân khỏi Đức. Khi ông Grenell được Tổng thống Trump gọi về Washington trong vai trò mới, chính giới Đức "thở phào", đồng thời bày tỏ hy vọng về một quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ khi đại sứ mới sẽ là một nhà ngoại giao, không phải là một nhà chính trị ở Đức như ông Grenell. Trước khi về Mỹ, ông Grenell còn đăng dòng tweeter cảnh báo Đức chớ tưởng sức ép đã hết, bởi như vậy là "không hiểu người Mỹ". Nghe như một lời đe dọa, và sự thật là khi ông Grenell vừa về Mỹ, thông tin về việc giảm quân ở Đức đã được đưa ra. 

Trong số các lý do, còn phải kể đến việc Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối đến Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7), điều được báo chí mô tả là đã làm "mất mặt" Tổng thống Trump, khiến Mỹ phải dời hội nghị sang tháng 9 tới.

Thế nhưng dù là ai có vai trò quyết định để Tổng thống Trump nhất trí cắt giảm binh sĩ không còn quan trọng. Điều đáng quan tâm từ quyết định của Tổng thống Mỹ là mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tới đây sẽ ra sao. Tất nhiên, như ông Trump thông báo, Mỹ sẽ chỉ rút khỏi Đức 9.500 binh sĩ và duy trì mức trần ở con số 25.000 binh sĩ, song quyết định đầy bất ngờ này chắc chắn sẽ gây xáo trộn quan hệ giữa Mỹ với Đức và châu Âu nói chung. Sự hậu thuẫn của Mỹ giờ đây không còn mang tính nguyên tắc nữa mà là “có đi có lại”. Theo các chuyên gia, bi kịch là khi không còn Mỹ đứng ra "bảo kê", khái niệm phương Tây nói chung như một hệ tư tưởng sẽ không còn tồn tại nữa, dẫn đến bất ổn và lo lắng trên toàn cầu. 

Việc Mỹ giảm binh sĩ sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho an ninh của Đức, nhưng sẽ gây tổn hại mang tính biểu tượng nghiêm trọng đối với mối quan hệ Đức-Mỹ, vốn gặp nhiều sóng gió dưới thời Tổng thống Trump, và đáng nói hơn là gây thiệt hại cho chính các hoạt động và lợi ích chiến lược của Mỹ. Trong khi đó, những căn cứ rất tốt và hiện đại của Mỹ ở Đức không dễ gì có thể "chuyển" đi một nơi khác. Chính cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, Tướng Ben Hodges (Ben Hốt-ghê) cũng đánh giá quyết định của Tổng thống Trump là "sai lầm lớn", bởi binh sĩ Mỹ ở Đức không phải để bảo vệ quốc gia châu Âu này. 

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng đây không chỉ là vấn đề song phương giữa Mỹ và Đức mà sự hiện diện của binh sĩ Mỹ ở Đức còn rất quan trọng đối với toàn bộ NATO. Đối với châu Âu, quyết định của Mỹ cũng là cơ hội để "Lục địa già" tự "trưởng thành" trong lĩnh vực quốc phòng khi không thể mãi trông chờ vào sự bảo vệ của người ngoài. Đây chính là kế hoạch xây dựng củng cố quốc phòng mà Pháp và Đức đang theo đuổi, phù hợp với một phát biểu của Thủ tướng Merkel rằng, châu Âu phải "tự đứng trên đôi chân của mình" trong lĩnh vực quốc phòng.

Tuy nhiên, chưa rõ kế hoạch trên sẽ được thực hiện như thế nào, bởi giống như trường hợp binh sĩ Anh rút khỏi Đức trước đây, việc triển khai sẽ phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Các quan chức Chính phủ Đức cũng như nhiều quan chức Mỹ chưa thấy một kế hoạch cụ thể cho việc rút quân. Ngay cả Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cũng chưa nghe và chưa thấy một kế hoạch cụ thể nào về cách thức và thời điểm sẽ được thực hiện. 

Ngoài ra, cũng chưa rõ liệu kế hoạch của Tổng thống Trump có qua được "cửa ải" lưỡng viện ở Mỹ hay không, bởi có rất nhiều nghị sĩ ở hai đảng phản đối kế hoạch này. Với chiêu "rút quân để trừng phạt", liệu các cố vấn của Tổng thống Trump có sợ làm vỡ chiếc bình quý bọc bằng sợi dây lòng tin từ hai bờ Đại Tây Dương? Bản ngã và liên minh, đâu là quan trọng hơn?

Trần Mạnh Hùng (Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức)