04:13 28/04/2014

NATO xoay trục đến Nga: Chiến tranh Lạnh trên biển phiên bản 2.0?

Việc Crimea sáp nhập vào Nga đã khiến châu Âu một lần nữa lại trở thành tâm điểm an ninh của NATO và điều đó sẽ có tác động nhất định đến vấn đề ưu tiên an ninh hàng hải của lực lượng này ở khu vực Biển Đen.

Việc Crimea sáp nhập vào Nga đã khiến châu Âu một lần nữa lại trở thành tâm điểm an ninh của NATO và điều đó sẽ có tác động nhất định đến vấn đề ưu tiên an ninh hàng hải của lực lượng này ở khu vực Biển Đen.
 
Felix F. Seidler*, chuyên gia phân tích tại Viện Chính sách An ninh, Đại học Kiel (Đức) bình luận trên trang mạng của Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế rằng Nga và NATO đã có những cơ hội hợp tác hải quân từ năm 1991. Với hiệp ước Đối tác Hòa bình (năm 1994) và thành lập Hội đồng NATO-Nga (năm 2002), Liên minh này đã có một số hoạt động hợp tác với Moskva trên biển. Ví dụ, theo thỏa thuận Operation Active Endeavour, hai bên đã phối hợp với nhau trong việc chống khủng bố ở Địa Trung Hải và chống cướp biển ở Ấn Độ Dương. Mới đây nhất, Nga và NATO cũng phối hợp với nhau trong việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Tuy nhiên, sau sự kiện Crimea, những cơ hội hợp tác trên dường như không còn tồn tại.

Bản đồ khu vực Biển Đen.


Sự sáp nhập Crimea đã khiến cho vị thế chiến lược của Nga trong khu vực Biển Đen tăng lên rất nhiều. Từ góc độ quân sự, bán đảo này như một tiền đồn cho việc mở rộng triển khai sức mạnh hướng tới miền nam Ukraine, khu vực Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự hiện diện quân sự của Moskva không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận pháp lý cũ với phía Ukraine, và Moskva hoàn toàn có thể sử dụng các tiềm năng địa chiến lược của Crimea bằng cách triển khai một loạt các công cụ hỗ trợ khác.

Ví dụ, Nga có thể triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất Iskander, với tầm hoạt động 400 km, bao phủ toàn bộ phần phía nam của Ukraine, trong đó có các thành phố công nghiệp quan trọng như Odessa, Kryvyi Rih và Dnipropetrovsk; phần lớn diện tích của Moldova; toàn bộ bờ biển Rumani và một phần quan trọng của bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen. Ngoài ra, Nga cũng có thể triển khai thêm các hệ thống tên lửa chống tàu nổi, phòng không tầm xa giúp cung cấp khả năng tấn công mục tiêu mặt đất, ngăn chặn giao thông hàng hải và áp đặt vùng cấm bay.

Sau khi Sevastopol bị mất, Ukraine chỉ còn một cảng quan trọng là Odessa. Vì vậy, để đối trọng với Nga, NATO có thể hỗ trợ Ukraine duy trì một lực lượng hải quân nhỏ ở khu vực này. Bên cạnh đó, NATO có thể đảm bảo tàu chiến Ukraine có thể được phép cập cảng ở Romani, Bulgari, Thổ Nhĩ Kỳ hay Hy Lạp trong trường hợp Moskva có những hành động quyết đoán hơn.

Ông Seidler cho rằng lực lượng phản ứng nhanh của hải quân NATO (SNMG) nên thường xuyên tới thăm Odessa khi đến Georgia để một mặt vừa xây dựng quan hệ đối tác với Kiev, mặt khác nhằm biểu dương lực lượng với Nga. 

Phạm vi triển khai sức mạnh của Moskva có thể được tiếp tục mở rộng bằng cách sử dụng các căn cứ hải quân và không quân trên bán đảo Crimea. Lực lượng không quân Nga hiện nay đang có sự hiện diện lớn tại gần như toàn bộ bờ Biển Đen thông qua việc tiếp cận với căn cứ không quân cũ của Ukraine ở Crimea. Do đó, Transnistria và miền nam Ukraine đều nằm trong phạm vi hoạt động của lực lượng Nga.

Tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral.


Có thể nói rằng vị trí của bán đảo Crimea làm cho nó trở thành một nơi rất phù hợp cho việc triển khai lực lượng lính dù, lính thủy đánh bộ và Spetsnaz (lực lượng tác chiến đặc biệt) ở miền nam Ukraine. Việc triển khai này sẽ có điều kiện thuận hơn nữa trong tương lai gần, với việc Nga mua lại tàu tấn công đổ bộ Mistral của Pháp và biên chế cho Hạm đội Biển Đen của Nga.
 
Liên quan đến cán cân quân sự ở châu Âu, Pháp sẽ làm tổn hại đến đồng minh của mình khi cung cấp tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral cho Nga. Vì vậy, Paris nên ngưng hợp đồng quân sự này với Moskva. Theo chuyên gia quân sự Jeff Lightfoot, "NATO nên mua Mistral". Giống như hệ thống chỉ huy và cảnh báo sớm (AWACS), các tàu lớp Mistral có thể trở thành một tài sản được chia sẻ trong NATO, ông Seidler nhận định.

Trong khi châu Âu đang thiếu nghiêm trọng tàu đổ bộ, việc mua tàu Mistral và bố trí ở Biển Đen hay vùng Baltic sẽ gửi thông điệp rõ ràng đến Nga. Triển khai chúng đến Địa Trung Hải hoặc Ấn Độ Dương sẽ giúp theo đuổi những lợi ích hàng hải của phương Tây.

Trước khi cuộc khủng hoảng Crimea nổ ra, Hạm đội Biển Đen có 2 tàu tuần dương, 1 tàu khu trục cỡ lớn, 2 tàu khu trục cỡ nhỏ, 10 tàu hộ tống và 11 tàu ngầm chạy bằng diesel. Đây là một lực lượng hải quân lớn trong khu vực. Giờ đây, sức mạnh của Hạm đội Biển Đen sẽ được tăng thêm sau khi hoàn thành một chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng với việc bổ sung thêm 6 tàu khu trục mới, 6 tàu ngầm mới, 1 tàu tấn công đổ bộ Mistral và một số tàu nhỏ hơn.

Nếu không có những thay đổi lớn về lực lượng hải quân của các nước khác trong khu vực, sức mạnh của Hạm đội Biển Đen sẽ sớm bằng hoặc lớn hơn sức mạnh của tất cả các quốc gia ven Biển Đen khác cộng lại.
 
Ngoài sự gia tăng khả năng tấn công của mình, thế phòng thủ của Nga cũng sẽ được tăng cường. Crimea sẽ tạo cho Nga một điểm phòng thủ phía trước rất chắc chắn, đặc biệt trong việc chống lại các cuộc xâm nhập đường không và đường biển tiềm năng vào các khu vực phía tây nam của Liên bang Nga.


Với việc các nước vùng Baltic và Ba Lan gia nhập NATO và EU, biển Baltic hoàn toàn là vấn đề chính trị. Giá trị về mặt quân sự vẫn chưa được liên minh này coi trọng. Điều này không có nghĩa là NATO đang trên bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, liên minh này cần phải có kế hoạch như thế nào để ngăn chặn Nga tạo ra một sự đe dọa tiềm năng đối với các nước Baltic từ hướng biển và phải chắc chắn rằng uy lực hải quân của mình trong vùng Baltic vẫn rõ ràng.

Việc triển khai các cuộc tập trận hải quân thường niên cũng là điều nên làm. Hơn nữa, Thụy Điển và Phần Lan nên gia nhập NATO. Hai nước này sẽ mang lại những đóng góp lớn để NATO và các thành viên của nó tăng sự cô lập Nga ở biển Baltic.

Chuyên gia Seidler cho rằng bên cạnh việc đảm bảo tương lai của NATO, sáp nhập Crimea vào Nga cũng đã chấm dứt những tranh luận giữa Anh và Mỹ về sự cần thiết có một sự răn đe hạt nhân trên biển. Châu Âu sẽ vẫn cần những chiếc ô hạt nhân của Mỹ, Anh và Pháp. Trong trường hợp khủng hoảng Crimea không xảy ra, NATO có lẽ sẽ tập trung nhiệm vụ hàng hải mới của mình ở Địa Trung Hải, Vịnh Guinea và Ấn Độ Dương, thậm chí ngay cả trong khu vực Đông Nam Á để duy trì sự hiện diện. Tuy nhiên, sau sự kiện Crimea, chúng ta sẽ thấy các tàu chiến của NATO được triển khai lại ở Baltic và Biển Đen.

Dù vẫn chưa phải là đang trở lại giai đoạn trước năm 1989 và trên thực tế vẫn chưa có một cuộc chiến tranh lạnh phiên bản 2.0 trên biển, nhưng nếu NATO quên đi những bài học kinh nghiệm răn đe hạt nhân và thông thường, liên minh này sẽ phải đối mặt với những tình huống thực tế sớm hơn rất nhiều so với những gì họ nghĩ.

*(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

CT(Theo CIMSEC)