09:10 28/09/2022

NATO triệu tập cuộc họp đặc biệt về cung cấp vũ khí

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 27/9 đã triệu tập những người đứng đầu ngành công nghiệp vũ khí của khối này để thảo luận việc bổ sung kho dự trữ cạn kiệt ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Một binh sĩ chất vũ khí chở đến Ukraine lên một máy bay vận tải C-17 Globemaster III tại Căn cứ Không quân Dover, Delaware ngày 14/9/2022. Ảnh: Không quân Mỹ

Theo kênh truyền hình RT, tại cuộc họp ở Brussels, Tổng Thư ký Stoltenberg hối thúc các tập đoàn công nghiệp - quân sự tăng tốc sản xuất trong bối cảnh nhiều báo cáo chỉ ra phương Tây đang thiếu hụt nguồn cung vũ khí chủ chốt.

NATO cho biết chủ đề thảo luận trong Hội nghị các Giám đốc Vũ khí Quốc gia (CNAD) tập trung vào khả năng sản xuất và dự trữ vũ khí của khối liên minh quân sự trước cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Stoltenberg nêu rõ: “Tăng cường kho dự trữ của NATO sẽ đảm bảo chúng ta có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Chúng ta cần tiếp tục hợp tác với tư cách là những đồng minh NATO”.

Kể từ tháng 2, NATO đã gửi một lượng lớn vũ khí, đạn dược, phương tiện và các thiết bị quân sự khác tới Kiev, với phần lớn nguồn cung đến từ Mỹ. Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ đã gửi hỗ trợ an ninh với giá trị hơn 14,5 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột. Đây là mức viện trợ cao thứ hai sau mức hơn 17,2 tỷ USD mà Mỹ gửi cho Ukraine trong năm 2014.

Dẫn lời các quan chức giấu tên, hãng Reuters ngày 27/9 đưa tin Mỹ chuẩn bị một gói vũ khí khác cho Kiev, trị giá 1,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tất cả những lần hỗ trợ này đã làm ảnh hưởng đến kho dự trữ vũ khí và đạn dược của Mỹ. Đầu tháng 9, Lầu Năm Góc công bố một hợp đồng trị giá 311 triệu USD cho khoảng 1.800 tên lửa chống tăng Javelin. 624 triệu USD khác đã được phân bổ để bổ sung vào kho tên lửa phòng không Stinger.

Trong khi đó, theo một bài viết đăng trên Tạp chí Phố Uôn hồi cuối tháng 8, lượng dự trữ đạn pháo 155mm đang ở mức thấp báo động. Thời gian để nhận những đơn hàng vũ khí đặt mất từ ​​13 đến 18 tháng.

Ở các nước khác như Anh, báo Telegraph đưa tin ngành công nghiệp quân sự nước này có thể mất tới hai năm để bắt đầu lại việc sản xuất các loại vũ khí đời cũ, trong khi việc thiết kế và chuyển giao một tên lửa mới có thể mất tới 10 năm.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ chỉ ra rằng quân đội nước này không được xây dựng để chiến đấu hoặc hỗ trợ một cuộc xung đột kéo dài, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng chỉ có quy mô phù hợp với tốc độ sản xuất thời bình. Việc mở rộng năng lực sản xuất sẽ mất nhiều năm.

Bảo Hà/Báo Tin tức