04:09 05/04/2014

NATO mở lại không phận Kosovo

Ngày 4.4, NATO tuyên bố cho phép máy bay của các hãng hàng không tư nhân bay qua vùng trời Kosovo lần đầu tiên sau 15 năm đóng cửa nhằm giúp các chuyến bay thương mại tiết kiệm được thời gian và tiền bạc khi thực hiện các chuyến bay thẳng qua khu vực này.

Ngày 4.4, NATO tuyên bố cho phép máy bay của các hãng hàng không tư nhân bay qua vùng trời Kosovo lần đầu tiên sau 15 năm đóng cửa nhằm giúp các chuyến bay thương mại tiết kiệm được thời gian và tiền bạc khi thực hiện các chuyến bay thẳng qua khu vực này. 

Mặc dù vẫn đều đặn có các chuyến bay dân sự tới thủ phủ Pristina, nhưng các hãng hàng không tư nhân đã bị cấm bay vào vùng trời Kosovo kể từ khi NATO chịu trách nhiệm giám sát khu vực này sau khi kết thúc cuộc chiến tranh vào năm 1999. Vùng trời của Kosovo chỉ được khai thông trở lại cho các chuyến bay dân sự bắt đầu hôm 3/4 sau khi Hungary đồng ý cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu đối với các chuyến bay tư nhân. 

Theo đó, các hãng hàng không khi bay từ bắc Âu đến nam Âu, hoặc từ Trung Đông đến châu Á sẽ không phải bay tránh vùng trời Kosovo mà sẽ được bay thẳng qua không phận nước này, một bước tiến quan trọng mang lại nhiều lợi ích cho toàn bộ khu vực tây Balkan, Tổng thư ký NATO- Anders Fogh Rasmussen nói.

Việc mở lại không phận phải mất một thời gian dài sau khi các vấn đề kỹ thuật liên quan đến một số quốc gia được giải quyết, một quan chức NATO cho biết.

Tổ chức an ninh hàng không châu Âu (Eurocontrol) ước tính có khoảng 180.000 chuyến bay mỗi năm bay qua sẽ giảm được khoảng 370.000 hải lý, như vậy sẽ giảm được chi phí khoảng 18 triệu euro (24,69 triệu USD).

Trong khi hoạt động hàng không qua Kosovo được đơn giản hóa, thì một rắc rối mới lại nổi lên trên không phận Crimea. Cơ quan an toàn hàng không của châu Âu ngày 3/4 cảnh báo sẽ có rủi ro nghiêm trọng cho các hãng hàng không quốc tế khi bay qua Crimea vì ở đó có đến hai bộ phận kiểm soát không lưu sau khi bán đảo được sáp nhập vào Nga.

Cuộc chiến Kosovo năm 1998-1999 xảy ra giữa lực lượng du kích ủng hộ độc lập của Quân đội Giải phóng Kosovo với các lực lượng an ninh trung thành của Serbia. Cuộc chiến kết thúc sau chiến dịch ném bom của NATO đẩy lùi các lực lượng của Serbia ra khỏi Kosovo, khi đó còn là một tỉnh của Serbia, vào năm 1999.

Một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã ủy quyền một sự hiện diện quốc tế ở Kosovo và NATO được trao quyền kiểm soát vùng không phận của Kosovo.

Năm 2008, Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Belgrade và tới nay đã được hơn 100 quốc gia công nhận.


P.V  (Theo Reuters)