02:13 24/02/2016

Náo nức ngày Hội Thơ 2016

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào 9 giờ sáng ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thân (tức thứ Hai, ngày 22/2/2016) là dịp hội ngộ của những người yêu thơ, đến đắm mình vào không gian thơ ca, nghệ thuật.

Từ sáng sớm đã có hàng ngàn người đổ về Văn Miếu đúng vào ngày Rằm Nguyên Tiêu để kịp dự buổi lễ trang trọng và khởi đầu cho một năm mới tốt đẹp trong thành tựu thơ ca nước nhà.

Những người làm văn chương có dịp gặp gỡ, giao lưu, chuyện trò đầu năm mới và gửi những điều ước riêng tư thả lên trời theo chiếc bóng bay xanh đỏ.
Sân “Già” nhắc nhớ một thời...

Lễ thả 50 câu thơ đặc sắc của các nhà thơ nổi tiếng. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Năm nay,chủ đề chính ở sân thơ là “Đất nước - Cánh buồm xuân”. Cánh buồm là một hình tượng văn học thể hiện cho sự tiến lên, vươn mình lớn mạnh giữa biển lớn của đất nước Việt Nam, cũng chính là sự hướng về biển đảo quê hương của triệu triệu người dân Việt Nam yêu Tổ quốc. Năm nay mặc dù không mở rộng đến nhiều nhà thơ nước ngoài nhưng vẫn có đại diện của Liên minh châu Âu là hai nhà thơ đến từ Pháp, Bỉ tham gia đọc thơ cùng các thế hệ nhà thơ Việt Nam. Bên cạnh những hoạt động trình diễn thơ còn có triển lãm văn học theo chủ đề kỉ niệm 70 năm văn học kháng chiến, gợi lại ký ức của thời kì cả dân tộc cùng đứng lên giành độc lập trong cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Đây cũng là lần đầu tiên ra mắt liên khúc thơ “Biển đảo, biên cương” do các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày. Hai nhà thơ Bỉ, Pháp do Phái đoàn châu Âu giới thiệu cũng tham dự. Tiếp đó là liên khúc thơ “Đất nước mùa xuân” với các nữ nhà thơ Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Ngọc Hà; rồi liên khúc thơ “Mùa xuân quê hương” với các nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Trung Lai, Trần Quang Quý, Hải Đường, Nguyễn Hưng Hải, Hoàng Trần Cương... Nhà thơ Hoàng Trần Cương không giấu được xúc động: “Tôi rất vui khi được đứng trên sân thơ Văn Miếu, đó là một ngôi đền thiêng để chúng tôi được sống lại một thời đam mê tận cùng và say mê tận cùng thơ ca. Thơ ca đã nuôi sống chúng tôi cả một thời tuổi trẻ, vững vàng chiến đấu chống lại kẻ thù và sống đầy hứng khởi để dựng xây đất nước. Nó là một ngọn lửa trầm tích từ bên trong”. 

Nhà thơ Anh Ngọc không giấu được niềm vui: “Ngày Thơ Việt Nam đã tới lần thứ 14. Không hiểu sao, cứ mỗi lần có may mắn được đọc thơ, nói chuyện thơ… trước công chúng, nhất là trong những Ngày Thơ, tôi luôn luôn nhớ đến những nhà thơ đàn anh mà chúng tôi vô cùng yêu quý và kính trọng như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hoàng Trung Thông... Tôi cứ nghĩ, giá trong Ngày Thơ này mà được gặp gỡ và nghe các nhà thơ lớn đó trò chuyện thì vui biết mấy…”.

Sân “Trẻ” tưng bừng sức trẻ

Năm nay, sân Thơ Trẻ được kỳ vọng bởi những đột phá trong cách thức thể hiện và sự hội tụ của rất nhiều gương mặt trẻ chưa từng đứng trên sân thơ Văn Miếu. sân Thơ Trẻ được mở màn bằng liên khúc “Reo vang bình minh” (bài hát của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) do các em thiếu nhi thể hiện. Tiếp đó, các em trình diễn bốn bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng: “Bài ca trồng cây” (Bế Kiến Quốc) - bài thơ này được thể hiện song ngữ Việt - Anh, “Con vện” (Nguyễn Hoàng Sơn), “Mẹ và cô” (Trần Quốc Toàn), “Đồng hồ báo thức” (Hoài Khánh) và hai bài thơ cùng có tên “Quê ngoại” của hai tác giả đạt giải Cây bút Tuổi hồng (do báo Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) là Ý Nhi và Bảo Trâm. Bài hát “Hạt gạo làng ta” phổ thơ Trần Đăng Khoa được dàn dựng theo phong cách mới mẻ, độc đáo. Kết thúc chương trình thơ thiếu nhi, các em đồng thanh đọc bài thơ “Cốc cốc cốc” của nhà thơ Võ Quảng.

Nhà thơ Hữu Việt cho biết: “Năm nay là sự kết hợp giữa sân Thơ Trẻ và sân Thơ Thiếu nhi. Có sự “đổi chỗ” so với mọi năm khi sân thơ truyền thống chuyển sang đọc liên khúc còn sân Thơ Trẻ và Thiếu nhi lại toàn đọc thơ lẻ. Trong 10 gương mặt dự sân Thơ Trẻ năm nay có đến 8 gương mặt mới. Trong đó, trẻ nhất là nhà thơ Ngô Gia Thiên An mới học lớp 11 với giọng thơ rất độc đáo, đặc biệt trên sân Thơ Trẻ có một tác giả là nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh, với những chùm thơ 4 câu chiếm được cảm tình của người nghe. Với chủ đề “Đường Xuân”, mở đầu với liên khúc thơ thiếu nhi “Reo vang bình minh”. Nền sân khấu năm nay là bức tranh rực rỡ mang biểu tượng ngũ hành xuân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Bên cạnh hai diễn viên dẫn dắt câu chuyện thơ là Đức Hải và Bảo Châu, sân Thơ Trẻ còn có sự góp mặt của nhóm nhảy “Cào cào” từ câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, nhóm nhảy Trường THPT Kim Liên, đội kèn trống và đồng ca của Trường THCS Nguyễn Tri Phương, trong đó điểm nhấn là Hồng Khanh, giọng ca từng tham dự The Voice Kids. Cô bé là con gái út của diễn viên Chiều Xuân. Chúng tôi nhận thấy rằng, sân Thơ Trẻ và sân Thơ Thiếu nhi bắt nguồn từ những câu chuyện xung quanh không gian sống của các em, bên cạnh cuộc sống thường nhật với lịch học kín mít và đầy áp lực. Bên cạnh việc cắp sách đến trường hàng ngày giúp các em tri thức thì thơ ca sẽ giúp ước mơ của các em cất cánh đến khắp năm châu”.

Ngày Thơ còn có sự góp mặt của 26 CLB thơ và đại diện của cộng đồng châu Âu, các trường đại học trên thành phố Hà Nội, các Hội VHNT đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước…

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, một người đồng hành cùng sân Thơ Trẻ trong Hội Thơ năm nay chia sẻ: Năm nay có cái mới mẻ trong cách tổ chức nên cá nhân tôi cho rằng nó đã giữ được cái tự nhiên bay bổng của các em mà vẫn đạt được độ chuyên nghiệp. Bản thân tôi đã dự đến lần thơ thứ 14 thì cảm nhận rằng, nếu ai muốn biết tâm thế, muốn đo sự nồng nhiệt của độc giả với thơ ca thì hãy đến với Ngày Thơ, bởi vì không chỉ ở Văn Miếu mà đối với cả nước đều có niềm háo hức chung như thế. Đó là một dịp, là cầu nối cho những người sáng tác với tác giả, tác phẩm với công chúng. Trong nhiều cái kênh khác nhau thì đó là một cái kênh để những người sáng tác đo độ yêu của khán giả dành cho mình, cho thơ ca, văn chương. Tôi nhận thấy rằng, từ ngày có Ngày Thơ Việt Nam, đã kéo theo rất nhiều hoạt động khác như ngày đọc sách, đường sách, câu lạc bộ đọc sách khắp trong Bắc ngoài Nam, cũng như các tỉnh thành trong cả nước. Nó có sức lan tỏa văn chương không chỉ dành cho giới văn chương mà những bậc phụ huynh, những em học sinh...”.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ: “Chúng tôi vẫn không hết ngạc nhiên về tình yêu thơ ca của người đọc Việt. Tôi muốn nói về những người vẫn nhiệt tình đến tham dự những ngày thơ hàng năm, để lắng nghe những câu chữ thật ra riêng tư của các nhà thơ. Tôi thấy được sự nỗ lực tương tác của những người làm sân thơ, nói chung là dễ thấy sự cố gắng tìm ra cách thức mới để hấp dẫn công chúng và cho chính những người đọc thơ có cảm giác hào hứng. Tất nhiên không phải lúc nào cũng có cái mới lạ, cái hay, và làm ngày thơ thì có thơ chưa đủ, còn cần góp sức của rất nhiều người đứng đằng sau mà không có họ thì không thể thành công. Tôi nghĩ những lễ hội như ngày thơ có thể trở thành những festival hấp dẫn, nhưng phải kết nối với các hoạt động phụ trợ về dịch vụ du lịch, giao thông, có thể diễn ra không chỉ ở Văn Miếu mà còn nhiều nơi khác. Tôi chắc những nơi khác cũng rất khát khao một sự kiện như thế”...
Nhật Huy