05:22 02/05/2012

Nâng tầm cá tra xuất khẩu

Con cá tra Việt Nam đã trở nên “có tiếng” trên thương trường quốc tế với sản phẩm phi lê đông lạnh (chiếm 99,2%), thế nhưng người nuôi trong nước thì vẫn “hụt hơi” với con cá tra. Nếu giải quyết được những hạn chế, khó khăn về sản xuất, thì lợi thế cạnh tranh của con cá tra là rất lớn...

Lợi thế nhưng chưa ổn định

Con cá tra Việt Nam đã trở nên “có tiếng” trên thương trường quốc tế với sản phẩm phi lê đông lạnh (chiếm 99,2%), thế nhưng người nuôi trong nước thì vẫn “hụt hơi” với con cá tra. Nếu giải quyết được những hạn chế, khó khăn về sản xuất, thì lợi thế cạnh tranh của con cá tra là rất lớn và giấc mơ làm giàu từ con cá tra qua nguồn lợi xuất khẩu của người nông dân nằm trong tầm tay.

Lợi thế cạnh tranh cao

Năm 2011, nếu như xuất khẩu (XK) thuỷ sản của Việt Nam đạt giá trị 6,1 tỷ USD, thì riêng con cá tra đã chiếm 30% tổng kim ngạch, với giá trị 1,805 tỷ USD. Ba tháng đầu năm 2012, XK cá tra đạt sản lượng 161.202 tấn với giá trị 421,529 triệu USD, tăng 5,3% sản lượng và 12% giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Giá XK trung bình cũng không ngừng tăng, nếu như năm 2010 là 2,16 USD/kg, năm 2011 là 2,46 USD/kg thì 3 tháng đầu năm giá XK trung bình là 2,61 USD/kg, tăng 6,1% so với giá XK cùng kỳ năm 2011. Hiện cá tra Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 130 thị trường thế giới, trong đó 10 thị trường lớn nhất là EU, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc và Hồng Công, Mêhicô, Braxin, Arập Xêút, Ôxtrâylia, Côlumbia và Nga. Dự kiến sản lượng XK từ cá tra năm 2012 sẽ đạt 550.000 – 600.000 tấn với giá trị XK đạt khoảng 2 tỷ USD.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần thủy sản Cafatex (Hậu Giang). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), XK cá tra trong 3 tháng đầu năm sang thị trường Mỹ đã tăng mạnh 22,7% về sản lượng và 40,3% giá trị so với cùng kỳ năm 2011 (chiếm 18,3% tổng kim ngạch XK 3 tháng). Hiện giá XK trung bình quí I/2012 tại thị trường Mỹ là 3,71 USD/kg, tăng 14,5% so với giá cùng kỳ năm 2011 (3,24 USD/kg). Theo VASEP, sở dĩ cá tra phi lê đông lạnh Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường này là do nguồn cung bị giảm sút nên giá tăng; đồng thời giá các loại thủy sản nhập từ Trung Quốc khá cao nên cá tra Việt Nam đã cạnh tranh tốt với giá rẻ hơn.

Trong khi đó, theo VASEP, sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh đã bắt đầu được ưa chuộng tại thị trường Nam Mỹ, khi quý I/2012 XK vào thị trường này đã tăng 17,1% về sản lượng và 21,4% về giá trị so với năm 2011. Các thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, chẳng hạn Mêhicô tăng 26,4%, Braxin tăng 149%, Côlumbia tăng 54,3%, Chilê tăng 124,9%, Urugoay tăng 19,7%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường các nước châu Á, kể cả Nam Á như Ấn Độ, Pakixtan... do các nước châu Á có nền kinh tế tăng trưởng, chính trị ổn định. Đây cũng là thị trường được đánh giá sẽ là tiềm năng lớn cho XK cá tra của Việt Nam.

Thu hoạch cá tra tại vùng nuôi của một gia đình ở huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Riêng thị trường EU, do tình hình nợ công tại đây vẫn chưa được khắc phục hiệu quả, tình hình tài chính, tiêu dùng chưa có những chuyển biến tích cực và đồng euro mất giá so với đồng USD khiến các nhà nhập khẩu EU bị lỗ tỷ giá trong việc thanh toán, lợi nhuận giảm so với trước đây nên XK cá tra quí I/2012 chỉ đạt sản lượng 41.525 tấn, với giá trị 111,090 triệu USD, giảm 14,8% về khối lượng và 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Tuy thị trường này được đánh giá vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đây vẫn là thị trường lớn, quan trọng và việc giữ vững thị trường này là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam. Dự báo thị trường này sẽ khởi sắc tháng 6 tới khi vào dịp nghỉ hè và các dịp lễ khác trong năm.

Yếu trên sân nhà

Trong khi lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế đang lên thì con cá tra trong nước lại mất ưu thế khi giá thu mua liên tục giảm. Nếu như thời điểm đầu năm, giá cá tra nguyên liệu ở mức 25.000 - 27.000 đồng/kg, người nuôi có lãi cao, thì đến thời điểm này cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (0,8-0,9 kg/con) loại thịt trắng có giá 21.000 - 22.000 đồng/kg và từ 19.000 - 20.000 đồng/kg đối với cá thịt hồng. Với giá bán như hiện nay, bà con nuôi cá tra lỗ từ 1.000 - 4.000 đồng/kg (tùy loại và nơi) vì hiện chi phí sản xuất 1 kg cá tra khoảng 22.000 - 24.000 đồng (tùy cách nuôi). Tuy nhiên, đây chỉ là mức lỗ áp dụng cho các hộ có vốn sẵn, riêng những hộ phải vay vốn (chiếm đa phần), nếu tính theo lãi suất ưu đãi 16%/năm, tương ứng 3.000 đồng/kg/vụ nuôi, thì người nuôi cá tra sẽ lỗ nặng.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP:

Nhà nước cần giám sát nguồn tiền cho vay bảo đảm đúng đối tượng, tránh tình trạng cho vay tràn lan như trước đây. Xem xét không cắt giảm hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp có dự án nuôi tốt và kinh doanh phát triển bình thường. Nhà nước cần có cơ chế thích hợp và linh hoạt cho hoạt động sản xuất, chế biến cá tra như: giãn nợ, hoãn thu VAT, giãn thu thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động tốt tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; bảo lãnh cho các hợp đồng nuôi liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích cho cả 2 bên; đồng thời đề nghị các hộ nuôi liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra và tránh rủi ro giá nguyên liệu không ổn định.

Ông Dương Ngọc Minh – TGĐ Công ty CP thủy sản Hùng Vương:

Ngành thủy sản đang trong tình trạng “thắt cổ chai” do giá thành sản xuất tăng, nguyên liệu đầu vào khan hiếm và khó khăn trong huy động vốn, do ngân hàng không tăng tín dụng cho vay mà còn có xu hướng rút bớt vốn. Hiện rất nhiều doanh nghiệp không có tiền để thu mua nguyên liệu trong dân về chế biến cho XK. Chúng ta nói nhiều đến năng lực cạnh tranh nhưng để có nó, chúng tôi cần sự hỗ trợ về chính sách và vốn cũng như sự tháo gỡ về cơ chế giúp doanh nghiệp không ách tắc trong quá trình sản xuất.

Bà Phạm Thị Thu Hồng – Chi cục thủy sản Vĩnh Long:

Cần tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu. Trong đó, tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo mô hình quản lý cộng đồng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm giám sát việc tuân thủ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm chi phí sản xuất, khuyến khích xây dựng mô hình liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị sản xuất cá tra xuất khẩu. Nông dân nuôi cá tra cần liên kết với nhau thành một vùng nuôi lớn, một tổ chức nuôi thủy sản lớn để có thể hưởng được các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các tổ chức này, đồng thời có thể đàm phán về giá cả, mua thức ăn trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ có thể ứng dụng Qui phạm quản lý tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần phải xác định giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu nhằm có cơ sở để định giá thu mua nguyên liệu, đảm bảo người nuôi có thể tái sản xuất, từ đó xây dựng giá sàn XK, đảm bảo đôi bên cùng hài hòa lợi ích, bảo vệ và đề cao vị thế của sản phẩm đặc thù của quốc gia.

Với tình hình như vậy, tình trạng "treo" ao nuôi cá tra tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tiếp tục diễn ra. Chỉ riêng tại tỉnh Đồng Tháp, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 80 ha ao nuôi cá tra bị "treo" do người dân không có vốn thả nuôi trở lại. Điều này dẫn đến việc khi nguồn cầu tăng cao thì nguồn cung cá tra nguyên liệu sẽ bị thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch XK.

Theo VASEP, các doanh nghiệp XK hiện đang cố gắng vượt qua các khó khăn về thị trường, sản xuất và nhất là khó khăn về vốn, do đó chỉ thu mua nguyên liệu cầm chừng, dẫn đến việc tiêu thụ nguyên liệu chậm lại và sụt giảm. Bên cạnh đó, sản lượng nuôi của 5 tỉnh có sản lượng lớn là Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long tăng bình quân 33,7%, đưa sản lượng cá tra nguyên liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long 3 tháng đầu năm đạt khoảng 300.000 tấn. Do khó khăn về vốn, các doanh nghiệp đã ưu tiên bắt “cá nhà” (do doanh nghiệp tự đầu tư nuôi hoặc liên kết nuôi) để sản xuất, do vậy, các hộ nuôi độc lập đã phần nào không tiêu thụ được sản phẩm. Theo VASEP, đây là xu hướng tất yếu, hướng đến hạn chế sản xuất nhỏ lẻ của nông hộ, thay vào đó là xu hướng tìm cách liên kết với nhà máy hay gia công cho các nhà máy, từ đó đảm bảo được nguồn cung cho xuất khẩu ổn định.

Bên cạnh đó, theo Ths. Phạm Thị Thu Hồng – Chi cục thủy sản Vĩnh Long, có một tồn tại khác khiến con cá tra không phát huy được ưu thế cho người nông dân: đó là chi phí sản xuất hiện nay khá cao. Theo bà Hồng, tuy chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong chuỗi giá trị sản xuất (khoảng 7- 8% cơ cấu trong giá thành) nhưng con giống phần nào ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng nuôi. Hiện người nuôi cá thả giống với mật độ quá cao (tâm lý trừ hao hụt do bệnh trong quá trình nuôi) với mong muốn được sản lượng cao/đơn vị diện tích mặt nước. Thế nhưng đây lại là nguy cơ để dịch bệnh lây lan và chất lượng nguồn nước xấu đi, từ đó sẽ làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn của cá, làm tăng chi phí thức ăn, đồng thời phát sinh thêm nhiều chi phí khác. Ngoài ra, con giống cá tra nuôi hầu hết không được kiểm dịch và không kiểm soát được chất lượng nên tỉ lệ hao hụt rất cao, nguy cơ xảy ra bệnh và rủi ro do cá chậm lớn là rất cao, từ đó phát sinh chi phí thả bù cá.

Giá thức ăn cho cá tra ở mức khá cao hiện cũng là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm tăng chi phí sản xuất cho người nuôi. Đối với thức ăn công nghiệp, giá trung bình dao động trong khoảng 7.000 đồng - 11.000 đồng/kg, trong khi hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) trong các mô hình nuôi hiện nay từ 1,5 - 1,85 và chi phí thức ăn chiếm 75 - 82% trong cơ cấu giá thành sản xuất của cá tra, điều này mang đến rủi ro rất lớn cho người nuôi tại những thời điểm giá thức ăn tăng cao.

Theo tính toán của bà Hồng, trong giai đoạn 2007 – 2012, giá thành sản xuất cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng 1,77 lần, trung bình 9,5%/năm. Đây chính là thách thức lớn, nếu không nhanh chóng tìm biện pháp hạ giá thành sản xuất, chắc chắn nghề nuôi và chế biến cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn tiếp tục gặp khó.

Cũng theo bà Hồng, nếu người dân bảo đảm các điều kiện nuôi đúng kỹ thuật, năng suất có thể đạt 250 - 300 tấn cá/ha. Khi đó, chỉ cần giảm hệ số thức ăn 0,1, người nuôi có thể thu lợi thêm 200 – 250 triệu đồng, chưa kể các khoản tiết kiệm khác như chi phí cá giống, hóa chất và xử lý môi trường ao nuôi. Tuy nhiên, để giúp người dân thực hiện đúng kĩ thuật nuôi thì cần một đội ngũ chuyên viên kĩ thuật hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong quá trình thực hiện. Việc này đối người nuôi nhỏ lẻ thì khó thực hiện vì sẽ làm tăng chi phí nuôi do phải trả lương cho cán bộ kĩ thuật.

Minh Thuyết