07:21 22/07/2021

Nắng nóng - ‘kẻ thù’ đáng ngại đối với Olympic Tokyo 2020

Tokyo có thời tiết nóng ẩm vào tháng 7 và 8, tiềm ẩn nguy cơ đổ bệnh do nắng nóng, ảnh hưởng đến hoạt động thi đấu của các vận động viên tại Olympic Tokyo 2020.

Chú thích ảnh
Nắng nóng là một thách thức đối với các vận động viên tranh tài ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AP

Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 23/7, Nhật Bản sẽ khai mạc kỳ Olympic Tokyo 2020 trong tâm lý lo ngại. Mối lo về dịch bệnh COVID-19 là lớn nhất, khiến các nhà tổ chức phải thay đổi lịch trình, áp đặt biện pháp hạn chế, không cho khán giả đến địa điểm thi đấu để cổ vũ. Bên cạnh đó còn có một nỗi lo khác, có nguy cơ đe dọa tới sức khỏe của vận động viên, huấn luyện viên, thành viên các đoàn tham dự. Đó chính là yếu tố khí hậu, kiểu khí hậu oi nóng cực đoan vào mùa hè ở Tokyo.

Ngay ở thời điểm Tokyo giành chiến thắng trong cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic 2020 hồi năm 2013, đã xuất hiện những lo ngại về quyết định tổ chức sự kiện này vào giai đoạn từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Đây là khoảng thời gian nhiệt độ tại Tokyo tăng cao, quanh ngưỡng 35 độ C, cùng với độ ẩm dao động trong khoảng 70-80%, khiến thời tiết càng thêm oi bức. Biến đổi khí hậu từ đó đến nay chỉ làm cho tình hình xấu đi mà thôi.

Dựa trên nghiên cứu của bản thân, Makoto Yokohari, giáo sư môi trường và quy hoạch đô thị tại Đại học Tokyo, cho biết Olympic Tokyo 2020 là sự kiện được tổ chức trong điều kiện khí hậu, thời tiết “tồi tệ nhất” kể tử năm 1986. Đó là bởi các thành phố từng đăng cai Olympic mùa hè cũng có nền nhiệt độ tương tự như Tokyo, nhưng khác biệt là không khí tại những vùng này thuộc diện khô, nóng, chứ không phải nóng, ẩm. Hai yếu tố nắng nóng và độ ẩm cao kết hợp lại sẽ dễ gây ra hiện tượng sốc nhiệt.

Năm nay, tình hình có thể còn tệ hơn, bởi rất khó để phân biệt giữa triệu chứng sốc nhiệt với người mắc COVID-19. Vì thế, nếu có nhiều người bị sốc nhiệt, vấn đề đặt ra là phải chữa trị cho đối tượng này ra sao, có như với một người nghi nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

Nhật Bản trong vài năm trở lại đây đã trải qua những đợt nắng nóng dữ dội nhất trong lịch sử hiện đại, đi kèm đó việc xuất hiện ngày một thường xuyên các hình thái khí hậu cực đoan như mưa lớn, lũ lụt.  Năm 2018, đã có ít nhất 80 người dân Tokyo chết vì sốc nhiệt. Cá biệt, trong ngày 23/7/2018, nhiệt độ ở Kumagaya nằm trên bình nguyên Kanto bao gồm cả thủ đô Tokyo đã lên tới 41,1 độ C. Đây là mức nhiệt cao kỉ lục từng ghi nhận được ở Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Các bộ môn thi đấu ngoài trời chịu tác động mạnh nhất bởi nắng nóng. Ảnh: AFP

Dự báo thời tiết mới nhất cho thấy kỳ Thế vận hội lần này diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao. Quyết định của Ban Tổ chức về cấm khán giả vào theo dõi, cổ vũ các môn thi đấu khiến người hâm mộ Nhật Bản và các nước thất vọng. Nhưng nó cũng giúp làm giảm những lo ngại về việc nhiều người già, lớn tuổi ở Nhật Bản gặp phải vấn đề sức khỏe, sốc nhiệt khi tới theo dõi trực tiếp các cuộc tranh tài.

Trên thực tế, các nhà tổ chức đã có một số bước đi giúp làm giảm nguy cơ đối với các vận động viên, thành viên đoàn các nước và giới báo chí truyền thông trước hình thái thời tiết nắng nóng. Ngay từ năm 2019, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thay đổi địa điểm thi đấu của bộ môn chạy marathon và đi bộ, từ thủ đô Tokyo sang thành phố Sapporo, nằm trên đảo Hokkaido, bất chấp sự phản đối của thị trưởng Tokyo Yuriko Koike.

Giới điều hành Olymic Tokyo 2020 cũng thực thi các biện pháp mang tính kĩ thuật khác để bảo vệ vận động viên, nhân viên phục vụ, quan chức, chuyên gia kĩ thuật, huấn luyện viên các đoàn thể thao, như cung cấp rộng rãi hệ thống máy tạo ẩm, ghế ngồi có mái che, ô che nắng, nước mát, phòng điều hòa nhiệt độ và thậm chí là các loại áo làm mát, dịch vụ trị liệu tắm đá.

Nhưng những nỗ lực trên đây vẫn không đủ để giúp nhà tổ chức thoát khỏi chỉ trích. Yoichi Masuzoe, cựu thị trưởng Tokyo giai đoạn 2014-2016, trực tiếp lên tiếng bày tỏ quan ngại về thời điểm tổ chức Thế vận hội. Ông cho rằng việc tranh tài ở các nội dung thi đấu ngoài trời trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm thực sự là cuộc chiến chống lại sốc nhiệt.

Theo Masuzoe, quyết định tổ chức Olympic Tokyo 2020 vào giữa mùa hè là không hợp lý, nhưng các nhà tổ chức bị bó buộc bởi vấn đề bản quyền truyền hình. Kỳ Thế vận hội Tokyo 1964 từng diễn ra trong mùa thu và không gặp phải trở ngại về thời tiết. Thời gian càng cho thấy ảnh hưởng thương mại hóa đối với sự kiện kiện thể thao này.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (aljazeera)