10:06 27/10/2012

Nâng mức giảm trừ gia cảnh để giảm thuế thu nhập cá nhân

Nội dung tờ trình mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được dư luận quan tâm, đặc biệt về mức giảm trừ gia cảnh.

Nội dung tờ trình mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được dư luận quan tâm, đặc biệt về mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh sẽ được nâng từ 4 triệu lên 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu đồng/tháng.


Nhiều ý kiến cho rằng: Trước tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc nâng mức khởi điểm chịu thuế sẽ tạo điều kiện tài chính cho người dân, nâng cao sức mua hàng hóa.

 

Sửa đổi vì không còn phù hợp


Luật Thuế TNCN được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Trong 3 năm thực hiện, số người nộp thuế đã tăng lên qua các năm, các loại thu nhập mới phát sinh trong nền kinh tế đã dần được bao quát.


Theo Bộ Tài chính, số thu thuế TNCN đã có sự tăng trưởng khá: số thu năm 2009 bằng 110% năm 2008, chiếm 3,4% tổng số thu NSNN; số thu năm 2010 bằng 183,6% năm 2009, chiếm 6,1% tổng thu nội địa (khoảng 4,7% tổng thu NSNN). Năm 2011 số thu bằng khoảng 141,38% so với năm 2010 (khoảng 5,5% tổng thu NSNN).


Trao đổi với phóng viên Tin tức, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương (Bộ Công Thương) cho rằng: Sự biến động nhanh của nền kinh tế đã khiến cho một số quy định trong Luật Thuế TNCN không còn phù hợp, trong đó có mức giảm trừ gia cảnh. Từ năm 2009 đến nay, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế của Việt Nam gặp nhiều sóng gió, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao đã làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế.


Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng. Theo mức giảm trừ gia cảnh này, người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế, người có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ 16,2 triệu đồng/tháng trở xuống chưa phải nộp thuế; người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng nếu có 1 người phụ thuộc chỉ nộp thuế 490 nghìn đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế), phần thu nhập của cá nhân sau khi nộp thuế là 19,51 triệu đồng...


Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Sự điều chỉnh này được tính toán dựa vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức GDP bình quân đầu người, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua và giai đoạn tới, mức tiền lương tối thiểu, đề án cải cách tiền lương, kết quả thống kê mức sống và thu nhập của dân cư cũng như tiếp thu ý kiến của nhân dân, các bộ, ngành, dư luận xã hội…


Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung lần này còn quy định “mở” để khi CPI biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sao cho linh hoạt, phù hợp với sự biến động của giá cả. Tuy nhiên, ông Lê Quốc Phương cũng cho rằng: Chính phủ cần làm rõ mức biến động của CPI trên 20% là tính theo mốc thời gian nào? theo năm hay cứ biến động của từng tháng rồi cộng dồn; cách tính thuế TNCN cũng cần tính toán theo biến động của CPI tăng hoặc giảm.


Có ý kiến cho rằng: để đơn giản và tránh việc mức giảm trừ gia cảnh bị lạc hậu do trượt giá, nên căn cứ theo số lần của lương tối thiểu để khi lương tối thiểu tăng thì mức giảm trừ cũng được tăng theo. Nếu Chính phủ chỉ đặt ra hướng sẽ điều chỉnh khi trượt giá quá 20%, chắc chắn sẽ có độ trễ khi điều chỉnh, người lao động sẽ bị thiệt thòi.


Trả lời phóng viên Tin tức, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói: “Câu chuyện mức khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh thì cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Mục tiêu quan trọng nhất đối với thuế thu nhập là kiểm soát được thu nhập của người dân thay vì để một số người lợi dụng mà lẩn tránh, trốn thuế. Đừng để việc người ít tiền nghiêm túc kê khai đóng thuế còn người thu nhập cao thì lại có cơ hội lẩn tránh".

 

Nguồn thu NSNN giảm mạnh


Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, nếu áp dụng theo luật mới này thì sẽ có khoảng 2,6 triệu người trên tổng số 3,8 triệu người đang nộp thuế thu nhập cá nhân (tính đến hết 2011) sẽ được miễn thuế. Tương ứng, 70% số người đang nộp thuế ở bậc cao sẽ được chuyển xuống nộp ở bậc dưới liền kề. Việc áp dụng này cũng sẽ làm giảm thu ngân sách của năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng so với chính sách hiện hành.


Trước đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Tính đến hết năm 2011 có 12.647.286 cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ thu nhập khác được cấp mã số thuế, trong đó chỉ có khoảng 3,87 triệu người phải nộp thuế TNCN. Tuy nhiên do kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế nên ngay từ khi luật có hiệu lực năm 2009 và trong các năm 2011, 2012, để chia sẻ và giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết cho miễn thuế TNCN đối với những người có thu nhập đến mức phải chịu thuế ở bậc 1 của Biểu thuế lũy tiến từng phần được quy định tại Điều 22 của Luật Thuế TNCN năm 2007 (có thu nhập tính thuế đến 5 triệu, chiếm khoảng 73% số người đang nộp thuế hiện nay).


Minh Phương