08:07 30/08/2016

Nâng chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài

Tính đến ngày 20/6/2016, cả nước có tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 11,284 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, do đã mạnh dạn từ chối các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường trong số các tỉnh thành dẫn đầu về thu hút FDI, TP Hồ Chí Minh không còn là địa phương dẫn đầu như các năm trước mà chỉ xếp thứ 5 trong danh sách này.

Ưu tiên dự án xanh, công nghệ cao

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng vốn đăng ký và cấp mới đầu tư FDI tại thành phố đến giữa tháng 7/2016 mới đạt 836 triệu USD, thấp hơn con số 1,05 tỉ USD cùng kì năm 2015 và chỉ xếp thứ 5 trên cả nước. Theo bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc TP Hồ Chí Minh bị sụt giảm thu hút đầu tư FDI có lý do là địa phương này đã không tập trung vào số lượng mà chuyển sang chất lượng.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam - một trong những nhà máy sản xuất “xanh” của Nhật Bản được TP Hồ Chí Minh khuyến khích đầu tư.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã chuyển hướng thu hút đầu tư FDI, nâng chất vốn ngoại bằng việc khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng lớn. Có thể thấy, rất nhiều nhà đầu tư ngoại muốn triển khai các dự án tại khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP), nhưng với tiêu chí “dự án xanh”, trong 5 tháng đầu năm chỉ có 2 dự án nước ngoài được cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn 22,34 triệu USD, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.

TP Hồ Chí Minh hiện có chủ trương thu hút vốn FDI vào 9 nhóm ngành dịch vụ (tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo) và 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ, giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm).

Câu chuyện “nâng chất vốn ngoại” tại TP Hồ Chí Minh thực ra không phải là mới bởi trước đó vài năm đã có nhiều tỉnh, thành phố đã “dựng barie” đối với các dự án gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, tỉnh Đồng Nai đã có sự thay đổi lớn lao trong chính sách thu hút FDI, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển kinh tế: Thời kỳ thu hút FDI “phiên bản” sạch và xanh. Ông Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Hơn 3 năm trở lại đây, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Đồng Nai có sự chọn lọc khá kỹ. Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút những dự án có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Vì thế, các dự án đầu tư vào tỉnh đều có công nghệ sạch, công nghệ cao”.

Điều này được thấy rõ ở các khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh Đồng Nai hiện chỉ thu hút những dự án sản xuất sạch, ít gây hại cho môi trường. Những doanh nghiệp trong KCN muốn mở rộng sản xuất hoặc thực hiện dự án mới, nếu không phù hợp với các tiêu chí trên đều không được chấp thuận. Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành, cho biết mới đây, Công ty TNHH dệt J.M ở KCN Long Thành đã đề nghị mở rộng sản xuất nhưng tỉnh Đồng Nai đã không đồng ý sau khi xem xét nhiều khía cạnh, do đây là ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải tại KCN Long Thành hiện đã hoạt động gần hết công suất, trong khi nước thải từ dệt nhuộm rất lớn và việc xử lý đạt chuẩn trước khi đưa ra môi trường không đơn giản. Vì vậy, tỉnh đã từ chối để bảo vệ môi trường nước cho các suối và sông Đồng Nai. Trước đó, một số dự án xin đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất nhưng không thuyết phục trong vấn đề bảo vệ môi trường cũng đã bị từ chối.

Tương tự, gần đây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhất quyết từ chối các dự án gây ô nhiễm môi trường như: thép, nhuộm, thuộc da, chế biến mủ cao su… ngay cả các dự án có nguy cơ như chế biến thủy sản, sản xuất sơn, sản xuất giấy… cũng nằm trong diện giám sát đặc biệt.

Để tăng thu hút đầu tư FDI, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp phát triển theo hướng xanh, đổi mới trang thiết bị, tăng năng lực cạnh tranh; tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành để tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh tiếp tục quy hoạch, phát triển quỹ đất sạch phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng hạ tầng trong các khu, mở rộng số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất lên thành 23 khu với tổng diện tích khoảng 6.038 ha. Đồng thời, khẩn trương triển khai xây dựng giai đoạn 2 của Khu công nghệ cao với diện tích khoảng 600 ha và có kế hoạch mở rộng Công viên Phần mềm Quang Trung trong thời gian tới. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa để các doanh nghiệp mới tiếp tục đầu tư.

Cân nhắc tính đặc thù của mỗi địa phương

Trước thực tế thời gian qua, đã có nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường từ các nhà máy được đầu tư từ nguồn vốn FDI, nhất là sự kiện Formosa mới đây, ngoài TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều tỉnh thành khác như Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Dương… cũng đã nói không với các dự án gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc dựng “barie” trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ thu hẹp cơ hội cho nhiều dự án dệt nhuộm FDI đổ vào Việt Nam. Nếu như tất cả các địa phương đều nói “không” với các dự án này thì sẽ khó cho nhà đầu tư cũng như sự phát triển của một số ngành nghề? Ví dụ, những dự án đầu tư khu công nghiệp dệt may thì địa phương cũng nên xem xét cấp phép cho các dự án có công đoạn nhuộm để đảm bảo tối ưu hóa quá trình sản xuất và phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may. Thực tế trước đây, các tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… đã từng tiếp nhận các dự án dệt, nhuộm và được xem là đặc thù của địa phương.

Thừa nhận vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư thuộc Ban quản lý các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza), cho biết thành phố cũng rất cân nhắc khi sắp tới sẽ tiếp nhận các dự án trọng điểm ngành dệt may. Tuy nhiên, theo ông Hà, phần lớn các dự án dệt may mà Hepza lựa chọn là những dự án cao cấp, đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại và sử dụng lao động ở mức vừa phải chứ không phải những dự án dệt may gia công như những năm trước. Còn ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý SHTP, vẫn tin tưởng thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án “xanh” lớn đổ vào. Thực tế chứng minh gần đây, SHTP liên tục tiếp xúc, đàm phán với nhiều nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, mỗi địa phương có thế mạnh riêng để phát triển kinh tế, do đó cần có quy hoạch cụ thể, không nên trùng lắp. Với cách làm của Đà Nẵng là thẳng thắn từ chối các dự án dệt nhuộm để bảo vệ ngành du lịch địa phương cũng như thu hút công nghệ cao, sản xuất sạch, đây có thể xem là đặc thù riêng của địa phương này. Còn với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... trước đây đã thu hút các dự án dệt, nhuộm thì nay từ chối sợ sẽ không thuyết phục được các nhà đầu tư.

Ông Hong Sun - Tổng thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN (KorCham): Cần có lộ trình chọn lọc 

Việc chọn lọc các dự án FDI phù hợp là bước đi đúng hướng, song bây giờ chưa phải là thời điểm lựa chọn tất cả những lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn. Hàn Quốc cũng trải qua thời gian đó, không thể một lúc bước từ một nước nông nghiệp sang công nghiệp, công nghệ cao ngay được mà cần phải có thời gian và lộ trình. Muốn có một nền công nghiệp phát triển, trước hết cần có công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, nếu không phải là những lĩnh vực có hại, hoặc phát sinh tiêu cực đến kinh tế - xã hội, thì Việt Nam nên tiếp tục đón nhận những dòng vốn đó. Tôi cho rằng, muốn thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng phải phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ và có chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý. Thêm vào đó, một khía cạnh quan trọng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện có nhiều tập đoàn Hàn Quốc đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Điều đáng nói là khi các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam bao giờ cũng kéo theo các vệ tinh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm công nghiệp phụ trợ. Vì vậy, trong việc xây dựng chính sách, Việt Nam không nên chỉ quan tâm tới thu hút các doanh nghiệp lớn mà cần thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, Việt Nam nên ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp đa quốc gia, bởi họ thường chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ. 

Chuyên gia kinh tế - TS.Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều cơ hội để chọn dự án “xanh” Với chủ trương định hướng nâng chất vốn ngoại, chọn lọc kỹ những dự án FDI trong thời điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý. Từ thực tế các dự án gây ô nhiễm môi trường như nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã rút ra cho Việt Nam bài học rất lớn và cần phải thay đổi cách thức lựa chọn các dự án đầu tư. Bởi các nước trên thế giới khi kêu gọi các dự án đầu tư trực tiếp lúc nào cũng đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu. Theo đó, những dự án gây ô nhiễm môi trường sẽ tìm đến những nước không quan tâm dựng hàng rào về vấn đề này để đầu tư. Việt Nam đang trong thời điểm hội nhập sâu rộng, sẽ có rất nhiều dự án FDI vào Việt Nam. Do đó, sự sàng lọc dự án FDI là rất cần thiết. Chúng ta không phải lo ngại sẽ thiếu các dự án FDI “xanh và sạch”. Nếu chúng ta không sàng lọc kỹ, Việt Nam chắc chắn sẽ bị hứng chịu nhiều hậu quả xấu về cả môi trường và kinh tế. Tuy nhiên, với những dự án buộc phải tiếp nhận nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, lãnh đạo các địa phương cần phải có những cơ chế cần thiết trong việc yêu cầu các dự án phải cam kết và đảm bảo xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn; bên cạnh đó cũng cần phải quy hoạch các dự án đó nằm xa khu dân cư, nguồn nước; thường xuyên giám sát chặt chẽ các dự án về xử lý nước thải để chất lượng môi trường của các dự án đó luôn luôn tốt.


Hải Yên