12:06 02/12/2014

Nâng chất lượng cà phê Việt Nam

Ngày 1/12, tại Diễn đàn Đối thoại và Triển vọng ngành hàng cà phê Việt Nam do Ban điều phối ngành hàng cà phê tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết: Giá cà phê niên vụ 2013 - 2014 khá thấp.

Ngày 1/12, tại Diễn đàn Đối thoại và Triển vọng ngành hàng cà phê Việt Nam do Ban điều phối ngành hàng cà phê tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết: Giá cà phê niên vụ 2013 - 2014 khá thấp. Trong đó, giá thu mua trong nước cao nhất vào tháng 8/2014 là 40.800 đồng/kg nhưng giá thu mua bình quân của niên vụ trước là 40.000 - 42.000 đồng/kg; giá xuất khẩu cao nhất cũng trong tháng 8 là 2.037 USD/tấn nhưng giá xuất khẩu bình quân niên vụ 2012 - 2013 là 2.142 USD/tấn. Điều này khiến cà phê Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng, thương hiệu và kỹ năng bán hàng hơn nữa để có giá bán tốt hơn.

Nông dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thu hoạch cà phê. Ảnh: Hồ Cầu – TTXVN


Đề cập vấn đề này, theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu, chất lượng cà phê Việt Nam là đề tài gây tranh cãi hàng chục năm nay. Chất lượng được quy định đơn giản (chủ yếu dựa vào hạt đen, vỡ, kích cỡ hạt) nên không phản ảnh đúng giá trị đích thực của nó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng cà phê giảm sút như dinh dưỡng vườn cây, tuổi đời, dịch bệnh, cơ cấu giống; quá trình thu hái, bảo quản, chế biến. Các công ty xuất khẩu chưa có định hướng mở rộng chế biến thu gom quả tươi để chế biến cà phê nhân ngay từ khi người dân thu hái... Ở các niên vụ trước tập trung chủ yếu là các chủng loại cà phê có quy cách và chất lượng đơn giản chưa mang lại giá cao. Nhưng 3 năm gần đây, các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư nhà máy, hệ thống chế biến hiện đại, kết hợp với đầu tư tái canh của người nông dân và doanh nghiệp nên chất lượng cà phê Việt Nam trong những niên vụ gần đây có những chuyển biến rõ nét.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Toàn, các công ty nước ngoài thu mua cà phê Việt Nam ngày càng có những quy định khắt khe hơn về các tiêu chuẩn chất lượng, quan tâm nhiều hơn đến cà phê chế biến ướt, đánh bóng, không đen; cà phê có chứng nhận UTZ, 4C, Rainforest. Mặt khác, các nhà rang xay có xu hướng quan tâm hơn đến chỉ dẫn địa lý và cà phê có xuất xứ mang thương hiệu “Cà phê Ban Mê Thuột”. Do đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần quan tâm và định hướng chất lượng xuất khẩu phù hợp với xu hướng thị trường thế giới. Cụ thể, ngoài yếu tố truyền thống (dinh dưỡng, cảm quan, không độc hại), khách hàng còn yêu cầu một số nội dung khác như an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên, trình độ sản xuất của nông dân.

Các chuyên gia cho rằng: Bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường các nước cộng đồng chung ASEAN. Các quốc gia trong khu vực sẽ có nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường cà phê chế biến của Việt Nam. Đây là thách thức của các doanh nghiệp chế biến cà phê Việt Nam khi phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, thị trường tiếp tục mở cửa rộng rãi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sau khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết. Vì vậy, để phát triển bền vững ngành hàng cà phê trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển cho ngành cà phê Việt Nam; đàm phán mở cửa thị trường đối với cà phê chế biến tại các thị trường EU và một số thị trường bảo hộ cà phê. Mặt khác, cần thiết khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia liên kết hoặc hỗ trợ nguồn vốn đến nông dân trong tái canh, chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản để nâng cao hơn chất lượng cà phê xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu...

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2013 - 2014, tổng sản lượng các loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 1,6 triệu tấn, đạt giá trị trên 3,4 tỷ USD, chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô. Đức và Hoa Kỳ là hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,9% và 10,2%; tiếp theo là thị trường Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Bỉ... 

H.Chung