03:23 14/03/2012

Nâng chất cho thị trường bảo hiểm

Các công ty bảo hiểm là một trong nhiều định chế trung gian tài chính phát triển nhanh nhất của thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cảnh báo cho rằng, định chế này cần có những điều chỉnh thích hợp nhằm tránh những nguy cơ bất ổn và cạnh tranh không lành mạnh.

Các công ty bảo hiểm là một trong nhiều định chế trung gian tài chính phát triển nhanh nhất của thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều cảnh báo cho rằng, định chế này cần có những điều chỉnh thích hợp nhằm tránh những nguy cơ bất ổn và cạnh tranh không lành mạnh.

Tăng trưởng nóng

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 29 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm phi nhân thọ (chưa tính Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam) được phép hoạt động. Trên thực tế, thị trường bảo hiểm đã trải qua giai đoạn phát triển nóng, với số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) gia nhập thị trường tăng nhanh, nhưng cùng với đó lại có nhiều DN đang gánh chịu tỷ lệ bồi thường cao tới mức báo động, không kiểm soát được bồi thường phát sinh. Hiệu quả kinh doanh của nhiều DN còn thấp, thể hiện ở tỷ suất sinh lời không cao, khả năng thanh toán khá hạn chế… Dù thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khá, nhưng nợ đọng phí bảo hiểm nhiều, chi phí khai thác và quản lý còn cao...

Làm thủ tục bảo hiểm tại công ty bảo hiểm nhân thọ DAI - ICHI Việt Nam. Ảnh: Linh Gia

Thống kê của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, doanh thu ngành bảo hiểm trong 10 năm qua luôn tăng trưởng cao, ổn định, với tỷ lệ tăng bình quân 18,5%; doanh thu bảo hiểm năm 2010 đạt 38.000 tỷ đồng; năm 2011 đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 18,7% so với năm 2010. Hầu hết các DNBH đều có mức tăng trưởng khá.

Mặc dù doanh thu tăng trưởng khá, song kết quả kinh doanh tại các DNBH lại có chiều hướng xấu, đặc biệt là ở nhóm các DN nhỏ liên tục có kết quả lỗ. Cụ thể, năm 2009 chỉ có 10 trong số 27 DNBH phi nhân thọ có lãi nhưng tổng số lỗ vẫn là 264 tỷ đồng, riêng lỗ từ nghiệp vụ bảo hiểm lên tới 200 tỷ đồng. Theo đánh giá, lỗ nghiệp vụ bảo hiểm ngoài nguyên nhân là do tình trạng cạnh tranh hạ phí bảo hiểm phi kỹ thuật, trả hoa hồng trái quy định và không đúng đối tượng còn có nguyên nhân do quản lý yếu kém, thất thoát trong khâu bồi thường.

Không chỉ có vậy, theo tính toán, hiện chỉ số HHI (mức độ tập trung của thị trường) cho thấy, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đang ở mức độ tập trung theo dạng một số ít DN nắm giữ đa số thị phần làm ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh lành mạnh của thị trường này.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là sự tồn tại các DN bảo hiểm trực thuộc ngành như dầu khí, bưu chính viễn thông, xăng dầu... đã vô hình trung tạo nên sự “chia cắt” thị trường, hạn chế cạnh tranh trong thị trường này.

Tình trạng tập trung không chỉ tồn tại ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, trong thị trường bảo hiểm nhân thọ, mức độ tập trung còn ở mức cao hơn. Trong số 11 DN bảo hiểm nhân thọ hiện đang hoạt động trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, trên 80% thị phần nằm trong tay 4 DN lớn là AIA, Bảo Việt nhân thọ, Manulife và Prudential.

Mức độ tập trung cao trên thị trường bảo hiểm đặt trong bối cảnh hoạt động đầu tư của các DNBH ngày càng bất lợi khiến các DNBH nhỏ, thị phần thấp đã khó lại càng khó khăn hơn. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, quá trình chạy đua cạnh tranh với các DN bảo hiểm lớn khiến các DN bảo hiểm nhỏ dễ tổn thương và bất ổn.

Cần tạo sự đột phá

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho rằng việc ban hành văn bản tái cấu trúc thị trường bảo hiểm và DNBH đi kèm với đó là những chuẩn mực đánh giá chất lượng khai khác, dịch vụ khách hàng, hiệu quả kinh doanh, năng lực quản lý của DN, là những bước đi cần thiết trong công cuộc nâng cao chất lượng của thị trường bảo hiểm.

Việc tái cơ cấu ngành bảo hiểm trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế sẽ tạo sự đột phá, cơ hội mới để phát triển thêm những phân khúc thị trường, sản phẩm bảo hiểm.

Hiện nay, một số DNBH phi nhân thọ đã có những động thái tái cấu trúc lại. Theo ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt (BVH), việc tái cấu trúc Tập đoàn BVH trong năm nay tập trung vào việc xem xét lại định hướng ngành nghề cốt lõi, tạo sự gắn kết, hợp lực giữa các lĩnh vực trong tập đoàn như bảo hiểm, ngân hàng để tạo ra năng lực cạnh tranh, cung ứng dịch vụ tài chính đa dạng không chỉ trong bảo hiểm, mà còn trong quản lý tài sản, thanh toán, ngân hàng…

Ngoài tái cấu trúc nghiệp vụ, hơn hết, điều kiện cần thiết để thực hiện các giải pháp tái cấu trúc DNBH phi nhân thọ là phải thay đổi tư duy trong quản lý. Trước hết và quan trọng nhất là sự thay đổi tư duy trong quản lý của các nhà lãnh đạo DNBH

Bộ Tài chính vừa xây dựng đề án tái cấu trúc các DNBH, theo đó sẽ phân loại các DN này theo các nhóm dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh. Nếu DN thuộc nhóm xấu sẽ được kiểm soát đặc biệt nếu không khắc phục được sẽ thực hiện sáp nhập hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.

Quang Toàn