11:11 08/11/2024

Nâng cao ý thức, văn hoá giao thông

Vụ việc nhóm “quái xế” va chạm làm tử vong cô gái đang dừng đèn đỏ trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã gióng lên hồi chuông về ý thức của giới trẻ và trách nhiệm của người lớn trong việc xây dựng lối sống có trách nhiệm với xã hội.

Những ngày qua, dư luận và cộng đồng mạng xã hội đã "dậy sóng", cũng như không ngừng bức xúc sau sự việc một nhóm “quái xế” trẻ tuổi gây tai nạn tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm một cô gái tử vong. “Dậy sóng” bởi nó như một giọt nước tràn ly về một vấn nạn đã tồn tại lâu nay mà chưa được xử lý triệt để. “Dậy sóng” bởi sự bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng người khác của một bộ phận giới trẻ thiếu ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Và có lẽ, đau xót nhất vẫn là hình ảnh hai người mẹ - một người mẹ vừa mất con và một người mẹ có con đang vướng vào vòng lao lý.

Có thể khẳng định, tai nạn giao thông không chỉ là nỗi đau của mỗi gia đình mà còn gây áp lực rất lớn cho toàn xã hội bởi những thiệt hại và hậu quả của nó để lại. Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 19.513 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.990 người, bị thương 14.505 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 5,7%, số người chết giảm 8,4% và số người bị thương tăng 13,9%. Theo đó, bình quân một ngày, cả nước xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 30 người, bị thương 48 người. Đây là những con số thật sự gây nhức nhối!

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông là ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông chưa cao. Đặc biệt, có một phần từ hội nhóm đua xe trái phép, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tình trạng đua xe xảy ra chủ yếu trong giới trẻ, thậm chí có em còn là học sinh phổ thông.

Những năm qua, nhằm xây dựng ý thức, trách nhiệm, văn hóa khi tham gia giao thông trong thanh niên nói chung và học sinh - sinh viên nói riêng, các trường học cũng đã đưa việc giáo dục Luật Giao thông đường bộ vào nhà trường thông qua các cuộc thi tìm hiểu hoặc buổi nói chuyện chuyên đề về an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường. Ngoài ra, ngay mỗi đầu năm học, nhà trường cũng đã đề nghị học sinh và phụ huynh ký cam kết về việc chấp hành đúng quy định pháp luật khi tham gia giao thông... Tuy nhiên, mỗi ngày lưu thông trên đường, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh các em học sinh chạy xe dàn hàng ngang, lạng lách, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện (độ tuổi và giấy phép lái xe phù hợp), chạy ngược chiều…

Chú thích ảnh
Lực lượng CSGT TP Hồ Chí Minh kiểm tra học sinh đi xe gắn máy. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, nhưng nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ thời điểm nào. Nguyên nhân sâu xa nhất không phải do thiếu chế tài, cũng không phải do các cơ quan chức năng không đủ lực, mà vấn đề nằm ở ý thức của chính những người tham gia giao thông. Vì vậy, ý thức tham gia giao thông của mỗi người cần phải luôn được tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao để thực sự có trách nhiệm với bản thân và với người tham gia giao thông khác.

Để làm được điều đó, mỗi người chúng ta cần nâng cao ý thức và xây dựng văn hoá giao thông từ những hành động nhỏ nhất như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; không sử dụng rượu, bia và các chất khích thích khi tham gia giao thông; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn; không lạng lách, đánh võng hay đua xe trái phép; chú ý quan sát khi qua đường, chuyển hướng… nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của bản thân và mọi người.

Bên cạnh đó, để cải thiện ý thức chấp hành pháp luật, công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn phải đặt lên hàng đầu. Ngoài việc ngành giáo dục cần tăng cường hơn nữa những học phần về pháp luật, vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục từ chính mỗi gia đình. Trước hết, người lớn phải thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông, sau đó thường xuyên nhắc nhở, giáo dục ý thức tham gia giao thông cho các thành viên trong gia đình để hình thành thói quen chấp hành pháp luật cho các thế hệ trong mỗi gia đình. Chỉ khi nào tất cả mọi người cùng nâng cao ý thức và trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về luật giao thông thì tình hình tai nạn giao thông mới được kéo giảm.

Song song với nâng cao nhận thức, để vấn nạn đua xe trái phép không còn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc xử lý trực tiếp người lái xe, cơ quan chức năng cũng cần kiên quyết xử lý hình sự đối với người có hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện nếu như gây thiệt hại, tổn hại tài sản của người khác tham gia giao thông. Đồng thời, nhiều người cũng đồng tình rằng, cần sửa quy định theo hướng cứ tụ tập, lạng lách là tịch thu xe, không cần biết chủ nhân là ai. Bởi, khi biết rằng nếu vi phạm sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất phương tiện, các "quái xế" sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng xe, kể cả xe đi mượn.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thế hệ trẻ có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc định hình tương lai của đất nước. Hiện đông đảo thế hệ trẻ cũng đã sớm ý thức được trách nhiệm, đã có nhiều đóng góp sức trẻ, sự năng động của mình cho xã hội, góp phần vào sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận giới trẻ vẫn còn thờ ơ, đua đòi, chưa ý thức được bản thân đã gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội cần phải được trui rèn, vun bồi ý thức để họ có thể hiểu được trách nhiệm của mình như thế nào đối với gia đình và xã hội.

Minh Thuyết/Báo Tin tức