06:17 06/06/2021

Nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ y, bác sĩ trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Ngày 6/6, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thành lập Trung tâm hồi sức tích cực điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng của Bệnh viện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tê lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Trần Trang/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 3 ca lây nhiễm cộng đồng là các bệnh nhân 4728, 5014, 5999 (do Bộ Y tế công bố ngày 20/5, 22/5 và 26/5/2021). Căn cứ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các địa phương trong cả nước, đặc biệt là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh giáp với Thái Nguyên, lại là tỉnh có nhiều khu công nghiệp với gần 90.000 công nhân, số chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh đến làm việc tại tỉnh khá đông, vì vậy Thái Nguyên vẫn là tỉnh có mức nguy cơ cao đối với dịch COVID-19.

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, tỉnh Thái Nguyên đã chuẩn bị gần 50 khu cách ly tập trung, lên phương án sẵn sàng cho 4 bệnh viện dã chiến với quy mô 1.300 giường bệnh. Thái Nguyên cũng đã hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 với 12.600 người được tiêm, vượt 17,4% so với kế hoạch đề ra. Trong đợt 2, tỉnh Thái Nguyên được cấp 17.400 liều vaccine (trong đó có 500 liều phân bổ cho lực lượng Công an và 300 liều phân bổ cho Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên). Theo kế hoạch, việc tiêm chủng sẽ được thực hiện ngay sau khi tỉnh nhận được vaccine .

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho các Bệnh viện tuyến Trung ương thành lập Trung tâm hồi sức tích cực điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng. Theo đánh giá của Bộ Y tế, các trung tâm này bước đầu đã điều trị có kết quả rất tích cực. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên mong muốn Bộ Y tế mở lớp tập huấn, hướng dẫn điều trị chuyên sâu cho các ca bệnh COVID-19 nặng như sử dụng liệu pháp oxy, hỗ trợ hô hấp và chăm sóc các bộ phận trọng yếu của cơ thể; đặc biệt, việc hỗ trợ hô hấp bao gồm từ việc sử dụng mặt nạ dưỡng khí, máy thở đến việc dùng các máy hỗ trợ phương pháp trao đổi oxy màng ngoài cơ thể (ECMO)…

Kết luận tại buổi làm việc, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho rằng, trong thời gian tới tỉnh Thái Nguyên cần sớm đánh giá được thực trạng dựa trên dân số, số người lao động trong các khu công nghiệp, hệ thống khám chữa bệnh trên toàn tỉnh… để đưa ra các kịch bản dự phòng sát thực nhất với điều kiện của tỉnh, từ đó sẽ chủ động trong phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở địa phương.

Đối với việc thành lập Trung tâm hồi sức tích cực điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đề nghị, Bệnh viện xây dựng theo định hướng là Trung tâm đầu mối về hồi sức cấp cứu của khu vực miền núi phía Bắc. Theo đó, cần phải đẩy mạnh việc tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Thu Hằng (TTXVN)