07:14 03/07/2020

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu về chống vi phạm pháp luật

Trong thời gian qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương cũng như nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở Thành phố Hồ Chí Minh mà công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan.

Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh, hậu quả được khắc phục nhanh theo quy định của pháp luật, một số vụ án tồn đọng kéo dài được xử lý dứt điểm. 

Tuy nhiên, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tính tiên phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm chưa cao. Một số vụ án, vụ việc chậm xử lý, kéo dài gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ vẫn diễn ra tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, sở, ban, ngành qua các thời kỳ gần đây đã bị xử lý về mặt Đảng cũng như bị điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án hình sự như dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, “bán rẻ” các khu đất công nhà nước có vị trí đắc địa tại  các số nhà 8-12 Lê Duẩn, 15 Thi Sách, chậm xử lý các vụ vi phạm trật tự xây dựng… 

Chú thích ảnh
Ngày 22/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại dự án số 15 Thi Sách, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Trước tình hình đó, để khắc phục tồn tại, yếu kém, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vi phạm pháp luật và tội phạm, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, liêm chính, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ chí Minh, vừa ký ban hành Chỉ thị 06/CT về tăng cường hiệu quả thi hành trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước trên địa bàn. 

Theo đó, đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND thành phố yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các quy định và văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định về quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, thực hiện tốt công tác phòng, chống vi phạm pháp luật. Người đứng đầu cần xác định việc phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và đưa vào nội dung kiểm điểm định kỳ của các ngành, các cấp, chương trình kiểm tra thường xuyên của cấp ủy. 

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực hiện công khai minh bạch quá trình thực thi nhiệm vụ công vụ, nâng cao trách nhiệm giải trình, thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. 

UBND thành phố yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đặc biệt phòng, chống tham nhũng. Công chức viên chức cần giải quyết nhanh chóng, kịp thời yêu cầu chính đáng của tổ chức, công dân, không được kéo dài thời gian giải quyết hoặc hách dịch, cửa quyền, tự ý đặt ra quy định trái pháp luật, trái với quy định của cấp có thẩm quyền để gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiều nhân dân, tổ chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. 

UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Thanh tra thành phố đẩy mạnh công tác thanh tra, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan tố tụng để góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm pháp luật. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cơ quan đơn vị của thành phố đã thực hiện 149 cuộc thanh tra trong đó có 116 cuộc theo kế hoạch và 33 cuộc đột xuất. Các đợt thanh tra đã phát hiện 70 trong tổng số 329 đơn vị có sai phạm, phát hiện gần 117 tỉ đồng sai phạm kinh tế và sự sai phạm tại 23 căn nhà thuộc diện Nhà nước quản lý  

Nội dung thanh tra tập trung vào trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định pháp luật và việc thanh tra tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo cũng như những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. 

Đáng chú ý là trong thời gian gần đây ngoài việc thanh tra tại các đơn vị quản lý nhà nước, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang thanh tra trách nhiệm thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị, chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm như thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND Quận 4, Quận 3, quận Tân Bình, Sở Giao thông Vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội…

Vừa qua Thanh tra thành phố công bố quyết định thanh tra trách nhiệm của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thời kỳ 2018 – 2019 (hiện nay là Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) về chấp hành pháp luật trong việc tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư dự án công trình dân dụng, công nghiệp sản xuất vật liệu có sử dụng nguồn vốn ngân sách và các dự án đầu tư xây dựng khác thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở Xây dựng hoặc theo ủy quyền của UBND thành phố.

Trần Xuân Tình  (TTXVN)