12:16 13/12/2018

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật

Ngày 13/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Sau gần 3 năm thực hiện, Luật đã có những đóng góp cụ thể, thiết thực vào công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, đã thiết kế được quá trình xây dựng luật dân chủ, có sự đóng góp nhiều hơn của các tầng lớp trong xã hội; thiết lập kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt hơn nguyên tắc pháp chế, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp…

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: moj.gov.vn

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, quá trình thực thi Luật cũng phát sinh một số bất cập. Cụ thể quy trình đánh giá tác động, lập đề nghị xây dựng chính sách đối với một số văn bản cấp địa phương nếu cứ máy móc áp dụng sẽ không đáp ứng được yêu cầu phải ban hành ngay và mang tính hình thức. Việc cấm tuyệt đối quy định thủ tục hành chính trong các văn bản dưới luật trong một số trường hợp sẽ không xử lý được những vấn đề đặc thù. Chất lượng một số văn bản chưa cao, sự phối hợp trong quá trình xây dựng luật chưa hiệu quả…

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, từ những bất cập này, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Dự án Luật đã được Chính phủ đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Nhấn mạnh việc đánh giá 3 năm thi hành Luật là cơ sở quan trọng xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng đề nghị, các đại biểu tập trung xem xét, đánh giá tổng thể việc thực hiện; làm rõ những mặt được và chưa được; phân tích những mặt chưa được là do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành… từ đó đưa ra giải pháp khả thi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan nhà nước đặc biệt là của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật.

Trình bày Báo cáo đánh giá 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, tiến độ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn chậm, chưa đáp ứng thời hạn theo quy định của Luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Nhiều bộ, cơ quan ngang bộ gửi hồ sơ đề nghị chậm, chủ yếu dồn vào cuối năm (tháng 12) và đầu năm sau như đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công; Luật sửa các luật liên quan đến quy hoạch... Chất lượng một số báo cáo thẩm tra đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, thiếu tính phản biện, chưa chú trọng đến việc đánh giá tính khả thi nên một số dự án luật, pháp lệnh sau khi được ban hành chậm đi vào cuộc sống. Ngoài ra, sự tham gia của các cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh vào quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn rất hạn chế, thậm chí có dự án chỉ có cán bộ cấp phòng và chuyên viên tham gia.

Từ 1/7/2016 đến 30/6/2018, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra 9.010 văn bản, phát hiện 266 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến, việc tổ chức thực hiện tự kiểm tra sau khi văn bản được ban hành và kiểm tra theo thẩm quyền chưa được chú trọng. Việc xử lý văn bản trái pháp luật đã có kết luận kiểm tra của Bộ Tư pháp tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa xử lý dứt điểm hoặc không xử lý dẫn đến vẫn còn tình trạng các văn bản trái pháp luật được ban hành.

Qua thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng thời nâng cao trách nhiệm, phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trình và cơ quan liên quan trong xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, dự án Luật cần xác định rõ và phù hợp hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham gia vào quá trình xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh theo hướng quy định cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh phải chịu trách nhiệm chủ trì việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Phan Phương (TTXVN)